Hoa bần
Cập nhật ngày: 28/10/2013 04:23:19
Tên nghe là lạ, thật là nghèo, nhưng “hoa bần” gắn chặt với ký ức tuổi thơ tôi, đậm đà đến mức cứ thỉnh thoảng tôi lại gặp trong giấc mơ, cho dù đã qua bao nhiêu năm tháng.
Căn nhà nhỏ của ba má tôi ngó mặt ra sông, cửa nhà gần sát mép nước. Vạt đất nhà nằm ngay nhánh rẽ ngã ba con rạch, ông ngoại sợ dòng nước xoáy lâu ngày lở bờ nên đem trồng ngay mép nước trước nhà một cây bần cho nó “giữ đất”. Má tôi kể lại như vậy, chứ khi tôi lớn lên thì đã thấy cây bần cao lớn đứng sững sừng oai nghiêm ở bờ sông trước cửa nhà tự bao giờ!
Cây bần thân to, xù xì, đứng dầm chân trong nước. Những chiếc lá nho nhỏ, cứng chắc, hơi tròn, lưa thưa nhưng cành thì tỏa rộng. Ngay bên dưới gốc cây là một đội quân “rễ bần” đông đúc, tua tủa từ dưới đất nhô lên y như những chiếc chông bao bọc cả một vùng rộng xung quanh gốc cây. Đó là những chiếc “rễ thở” độc đáo mà nhờ cậu Út giải thích chúng tôi mới biết, nhưng bọn tôi vẫn quen miệng gọi nó là “cọc bần”. Mỗi lần nấu nước mắm vô chai, má tôi đều sai cậu Út đi chặt “cọc bần” về làm nút chai. Cọc bần dẻo, xốp, chắc chắn, rất tiện lợi trong “công dụng” này, lần nào cậu Út cũng chặt về dư cả bó, cậu cho chúng tôi tha hồ sử dụng gọt đẽo làm đồ chơi thỏa thích.
Đến mùa cây bần trổ hoa là lúc bọn tôi thích thú vô cùng. Hoa bần không to lắm, khi hoa nở ra hết cỡ chỉ bằng bàn tay trẻ con. Nhưng những chiếc nhụy của nó thì thật là dài, mềm mại và mảnh, có màu trắng tím. Mỗi một hoa có vô số nhị. Loài hoa sông nước này thoang thoảng một mùi thơm có lẫn vị chát nhưng vẫn thu hút dập dìu những chú ong bầu bay về hút mật. Những chiếc nhụy cứ ngày ngày rơi lả tả xuống mặt nước, kéo theo bao nhiêu là họ hàng nhà cá xúm quanh liên tục “đớp mồi”.
Cứ đến mùa hoa bần nở là nhị hoa rơi xuống phủ kín cả một khúc sông trước nhà, chúng trôi dập dềnh lên xuống theo con nước. Những chiếc sợi tim tím ấy thật là đẹp, thỉnh thoảng bọn trẻ chúng tôi lén người lớn bơi xuồng ra vớt vào, làm nhân thịt bánh mì trong trò chơi bán đồ hàng của trẻ con! Có khi chúng tôi nhờ cậu Út lấy sào hái dùm những nụ hoa còn búp, đem về cả bọn tranh nhau chọn. Những búp hoa có hình khum khum giống như hai bàn tay chụm lại mà chúng tôi gọi là “bầu rượu”, bên trong lấp ló những sợi tím tím đẹp mê hồn!
Hoa bần dễ “đậu” nên hết mùa hoa thì cây chi chít trái. Khi cây bần bắt đầu kết trái, chúng tôi lại có thêm niềm vui mới. Trái bần tròn, dẹp, màu xanh đậm, mỗi trái có một chiếc gai nhọn mềm ở phần đầu hướng thẳng xuống mặt nước. Chiều chiều, lũ trẻ bọn tôi ra ngồi hết trên chiếc cầu bến bắc trước sông, chăm chú dõi theo sự lớn lên từng ngày của mỗi trái bần. Thấy trái nào to hơn, hơi mọng, chiếc lá đài bắt đầu hở ra là chúng tôi biết trái bần đã “chín”, phải nhờ người lớn hái ngay nếu không trái sẽ rụng tõm xuống sông làm mồi cho bọn cá.
Mùa bần chín, cứ cách vài ngày, con nít trong xóm tụ lại, năn nỉ cậu Út bơi xuồng ra hái về một rổ làm “tiệc”. Trái bần chín có vị chua đậm, bên trong chứa cơ man nào là hạt. Nếu trái chín kỹ thì phần cơm sẽ mềm nhũn, bở, dễ nát. Vì vậy, bọn tôi thích nhất khi trái bần vừa chín tới, vị chua hơi chát, phần cơm dẻo có thể xắt lát ra được để cặp với chuối sống mà chấm nước mắm đường! Có khi má tôi cũng dùng trái bần chín nấu canh chua cá linh, cả nhà đều thích mùi vị đặc trưng độc đáo không lẫn được!
Cây bần “cổ thụ” ấy đã đi theo suốt dọc dài tuổi thơ chúng tôi. Những chiếc hoa bần màu tím vẫn còn đọng mãi trong ký ức của mỗi đứa trẻ xóm tôi ngày ấy. Bây giờ đều đã trưởng thành, thỉnh thoảng gặp nhau, đứa nào cũng cười thật hả hê khi nhắc lại kỷ niệm về những buổi “tiệc bần”. Người ta nói “bần” là “nghèo” nhưng tôi thấy cây bần đã làm “giàu” thêm cho chúng tôi rất nhiều. Đó là những tình cảm ấm áp với quê hương, với bạn bè, với người thân, với mảnh đất quê nhà hiền hòa, chân chất và vô cùng dung dị.
Ngọc Điệp