Nguyễn Tùng và tập ca khúc đầu tay “Ký ức Tháp Mười”

Cập nhật ngày: 05/04/2022 05:49:45

ĐTO - Nguyễn Tùng là bút danh của tác giả Nguyễn Văn Hung - 1 trong 12 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam của tỉnh Đồng Tháp tại thời điểm năm 2022.

Nguyễn Tùng hoạt động trong phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng (nhất là trong lĩnh vực đờn ca tài tử), cũng như trong lĩnh vực sáng tác chuyên nghiệp đã lâu, nhưng mãi đến cuối năm 2021 mới cho ra mắt tập sách đầu tay với tên gọi: “Ký ức Tháp Mười”, gồm 43 ca khúc tuyển chọn từ nhiều tác phẩm anh đã sáng tác từ trước đến nay. Trong trang đầu của tập ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Khiêm - Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Đồng Tháp đã viết: “Cái đáng quý của nhạc sĩ Nguyễn Tùng là trong suốt quá trình công tác, dù ở đơn vị nào hay đảm nhận công việc gì, anh vẫn giữ được sự đam mê và duy trì sáng tác ca khúc, tham gia tích cực các hoạt động âm nhạc của tỉnh”.

Thật vậy, Nguyễn Tùng là một trong những nhạc sĩ tận tụy, miệt mài với công việc cũng như sáng tác và đã đạt được những thành công đáng ghi nhận. Chính anh là nhạc sĩ duy nhất của Đồng Tháp (và có thể của cả khu vực) đã 2 lần liên tiếp đạt giải Nhì và giải Ba cuộc thi ca khúc đồng bằng sông Cửu Long (năm 1998 và 1999, trong đó có ca khúc chọn đặt tên chung cho tập sách này) và nhiều giải thưởng khác - điều đáng ra, phải được ghi một cách trang trọng tại bìa 4, trong phần lý lịch tác giả. Thật đáng tiếc!

Nói về tập ca khúc “Ký ức Tháp Mười”, trước hết xét về phương diện đề tài - chủ đề, có thể khẳng định, Nguyễn Tùng là một nhạc sĩ chuyên sáng tác về vùng đất quê hương Đồng Tháp nói chung, trong đó có nhiều ca khúc viết về Tháp Mười (hay Đồng Tháp Mười) và Lai Vung - nơi chôn rau cắt rốn nói riêng. Chỉ tính địa danh Tháp Mười xuất hiện ở tên ca khúc thôi, cũng đã có 7/43 lần. Một con số rất ấn tượng! Không chỉ ở tập ca khúc này mà cả sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tùng, dường như, anh rất ít viết về các đề tài - chủ đề chung, rộng ở tầm quốc gia, có chăng, đó cũng chỉ là những sáng tác về Tổ quốc, Đảng, Bác Hồ, mẹ..., dù khá ít.

Viết về quê hương, đương nhiên Nguyễn Tùng không chỉ đặc tả, giới thiệu con người, cảnh sắc nơi đây mà hơn thế, ca khúc của anh còn ca ngợi, tôn vinh những giá trị nhân văn, vĩnh hằng của vùng đất mà mình đã được sinh ra, gắn bó một cách máu thịt. Nếu trong ca khúc “Về lại Tháp Mười” cảnh sắc, đặc sản quê hương hiện lên: “Cá linh non xôn xao mùa nước nổi. Cá lìm kìm khơi động khúc dân ca. Cánh cò giăng trắng đồng bông súng nở. Bướm vàng rung điên điển gió nhẹ lay” thì trong ca khúc “Ký ức Tháp Mười” những ngợi ca, chiêm nghiệm xen lẫn trăn trở, suy tư mãi lắng đọng: “Bao bão táp mưa sa càng thêm yêu thương Tháp Mười. Thương đất cằn đồng khô tháng Tám về chìm trong biển nước. Khơi nước dòng kênh xanh đường vươn dài thẳng tới. Những công trình vươn lên ấm no cùng hạnh phúc theo về”.

Chưa tính nhiều ca khúc mà trong nội dung hay ở tên gọi hiện lên địa danh, cảnh vật, đặc sản, chiến công, thành tựu... của vùng đất chôn rau cắt rốn của nhạc sĩ, chỉ kể 2 ca khúc: “Thương lắm Lai Vung” và “Tình ca Lai Vung”, chúng ta đều nhận rõ, ngoài Tháp Mười là “miền canh tác” bội thu, Nguyễn Tùng còn “thâm canh” và cũng “được mùa” ở địa chỉ này.

Về phương diện âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Khiêm đã nhận xét một cách khái quát: “Ca khúc của Nguyễn Tùng, nhìn chung mộc mạc, tự nhiên, gần gũi với cuộc sống”. Với tập ca khúc “Ký ức Tháp Mười”, ta thấy, hầu hết tác phẩm của anh đã tiếp cận, khai thác, vận dụng âm nhạc dân gian, nhất là các điệu hò, điệu lý của Đồng Tháp và các bài bản tài tử Nam Bộ một cách nhuần nhụy, có chọn lọc, có liều lượng. Tính “tân nhạc” trong ca khúc của một nhạc công đờn ca tài tử vẫn hiện lên rất rõ, không bị dân gian hóa đến mức hòa tan, mất bản sắc. Điều này rõ nhất trong thao tác xử lý tiết tấu các ca khúc mà Nguyễn Tùng đã chọn. Ví dụ, trong ca khúc “Về lại Tháp Mười”, cho dù tác giả đã vận dụng giai điệu “hò Đồng Tháp”, vốn dàn trải, mênh mang, song đã biết tiết chế một cách phù hợp, qua đó, vẫn “lái” ca khúc đi theo nhịp điệu vừa phải, thậm chí có phần sôi nổi, nhất là ở đoạn B.

Về cấu trúc, nhìn chung ca khúc của Nguyễn Tùng cũng nằm trong dòng chảy chung của ca khúc đương đại Việt Nam, thường gồm 2 đoạn A - B. Đây là loại cấu trúc thông dụng, không quá cầu kỳ, nhằm thể hiện điệp khúc hoặc phát triển cao trào một cách dễ dàng. Ví dụ, trong ca khúc “Ký ức Tháp Mười”, cấu trúc 2 đoạn A - B rất rõ. Đoạn A gồm 2 câu nhạc: A - A. Tương tự, đoạn B (phát triển cao trào) cũng gồm 2 câu nhạc: B - B. Đó là một cấu trúc gọn, súc tích, rất dễ xử lý trong một tác phẩm âm nhạc nhỏ, có ca từ, gọi là ca khúc. Đương nhiên, cấu trúc này cũng rất dễ phổ biến trong sinh hoạt ca hát trong cộng đồng đương đại.

Tập ca khúc “Ký ức Tháp Mười” là trong những cột mốc, đánh dấu, ghi nhận quá trình lao động sáng tạo của Nguyễn Tùng trong mấy chục năm qua. Anh đã góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng, phát triển của chuyên ngành âm nhạc nói chung, sáng tác ca khúc nói riêng của tỉnh Đồng Tháp, kể từ sau giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975 đến nay. Ca khúc của Nguyễn Tùng có nét phong cách riêng - gọi theo cách gọi thời thượng bây giờ là “dân gian - đương đại” - khá rõ. Nguyễn Tùng ít ồn ào như bản tính và nụ cười dí dỏm, ẩn giấu dưới vành ria (anh có biệt danh “Tùng râu”!). Nhưng sáng tác của anh thì luôn luôn đầy nhiệt huyết, bừng cháy từng ngày trong khát khao khám phá và dâng hiến.

Xin chúc mừng nhạc sĩ Nguyễn Tùng với tập ca khúc đầu tay: “Ký ức Tháp Mười”.

TS

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn