Thơ Đồng Tháp nhìn từ một cuộc thi

Cập nhật ngày: 06/04/2016 12:25:58

Vậy là cuộc thi thơ chủ đề “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” tỉnh Đồng Tháp năm 2015 đã chính thức khép lại. Cuộc thi không chỉ là dịp để người đọc thấy rõ mối quan hệ giữa văn chương và thực tiễn đời sống mà còn là cơ hội để đánh giá một phần diện mạo thơ ca tỉnh nhà.


Trao giải thưởng cho các tác giả tại cuộc thi

Với 130 tác phẩm của 36 tác giả gửi về tham dự, cuộc thi cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ từ một chủ trương lớn theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Dù chủ đề mang tính thời sự nhưng không vì thế mà cách thể hiện của người viết nặng về khẩu hiệu cổ động, tuyên truyền suông. Mà ngược lại, chính tình yêu dành cho ruộng lúa, dòng sông, ao cá, làng hoa, hương xoài... cùng sự chuyển mình đổi mới từng ngày của quê hương đã trở thành những dòng cảm xúc chân thành, ngọt ngào, sâu lắng của rất nhiều bài thơ dự thi.

Đó là hình ảnh của một thành phố hoa Sa Đéc, nơi những con người chân chất thật thà đang từng ngày làm nên vẻ đẹp kiêu sa của cúc, hồng, lan, huệ và trăm loài hoa khoe sắc, dệt thắm biết bao mùa xuân khắp mọi miền Tổ quốc. Đôi bàn tay sạm chai của ông, của cha lại chính là đôi bàn tay kì diệu: “Ông yêu đời chăm chút nụ hoa/Cha yêu đất nâng niu mầm sống/Anh yêu em trao niềm ước vọng/Người yêu người liên kết trồng hoa/Cả cuộc đời lam lũ mưa sa/Vẫn khát khao điểm tô phố mới/Cho Sa Đéc vươn mình chuyển đổi/Từ Vườn hoa nay thành Làng hoa!(Huyền thoại làng hoa – Bạch Phần).

Đó là một Cao Lãnh thanh thao vị ngọt của xoài để làm nên thương hiệu Cát Chu, Hòa Lộc. Cái vị ngọt được kết tinh từ thớ đất thấm đẫm tình người nhân hậu bao dung, từ phù sa sông Tiền bồi lắng dưỡng nuôi hòa chung với bao giọt mồ hôi nhà vườn sớm hôm chăm bón: “Hình như mồ hôi nhà vườn/Làm cho thương hiệu Mỹ Xương thơm lừng” (Mùa xoài – Khắc Chu). Những chùm quả nghịch mùa treo vàng no ấm, rồi theo xe, theo tàu cõng giấc mơ tươi đẹp của nhà vườn bay cao.

Nhiều hơn cả vẫn là hình ảnh của những cánh đồng chật thơm hương lúa. Cái manh mún nhỏ lẻ của nông nghiệp thô sơ đã nhường chỗ cho những mùa vàng liên kết. Bờ đê cỏ lác cỏ năng thay bằng hình ảnh ruộng lúa bờ hoa. Để người đi xa có dịp trở về: “Gặp giữa vàng lúa xanh trời/Là trong trẻo những tiếng cười nông dân/Quê hương ở phía thật gần/Nơi bàn tay với chuyên cần thành hoa/Đi giữa đồng ruộng quê nhà/Giữa Đồng Tháp của bao la cánh cò/Nghe ngọt lịm một câu hò/Bài ca chung thủy đợi chờ lứa đôi”(Đi giữa đồng ruộng quê nhà – Nguyễn Giang San).

Nhưng để có được tiếng cười trong trẻo ấy, người nông dân cũng đã phải đi qua biết bao lần thất mùa, biết bao lần lũ ngập trắng đầu bông lúa, hay điệp khúc được mùa rớt giá cũng trở thành nỗi ám ảnh, nỗi lo dai dẳng. Rồi những chi bộ nông dân ra đời, Đảng và dân cùng tìm phương hướng đổi mới: “Chi bộ dân mình từ suy nghĩ ban đầu/Phải tạo dựng niềm tin từ những điều gần nhất/ Để bà con thêm tin yêu gắn kết/Cho mỗi ngày rộn rã những niềm vui/Nhiều dịch vụ ra đời từ nông nghiệp quê tôi/Kinh tế bốn nhà không còn xa lạ nữa/Có Đảng trong tim, lòng dân thêm ánh lửa/Soi sáng đường cho ngày mới vinh sang/Đảng vào dân viết tiếp những trang vàng” (Chi bộ lòng dân – Minh Hoàng).

Nếu nhìn từ cuộc thi này, rõ ràng thơ ca Đồng Tháp đang thực hiện rất tốt vai trò và sứ mệnh của mình. Các tác giả dự thi không chỉ là người sáng tạo mà còn là người thắp lửa và truyền lửa. Ngọn lửa của tình yêu và xây dựng quê hương giàu đẹp từ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Như chia sẻ của nhà thơ Hữu Nhân – Phân hội trưởng Phân hội Văn học trong buổi tổng kết: “Cái được lớn nhất của cuộc thi này chính là sự khẳng định vai trò của văn nghệ sĩ chúng ta hôm nay đối với cuộc đời. Bởi lẽ thơ ca không thể tách rời cuộc sống”.

Phương Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn