Tình sông nước

Cập nhật ngày: 18/07/2016 10:45:18

Bữa kia phải đi đò ra xóm cù lao để trao cho trẻ nhỏ ít quà đi học. Chắc cũng phải đã rất lâu mới leo lên một con đò kiểu miền Tây, đi dọc một dòng sông miền Tây, nơi có những nhánh bần đầy trái de ra sông, hay những triền sậy nối dài triền sậy, dừa nước mọc bao trùm dừa nước.

Chủ đò là vợ chồng già ở xóm chợ nhỏ. Được người địa phương giới thiệu, thường chở mướn khách hay chở mướn hàng hóa cho ai đó sang những cù lao, những bến cồn, nơi đường bộ khó đi, khó chở nặng.

Người chồng ốm o nhỏ thó đâu gần 60, tay chân run rẩy, mặt mày buồn xo quặm quạu. Giống kiểu dân ghiền rượu ở quê, phải “làm 1 ly mới hết run tay, 2 ly mặt mày mới bắt đầu hớn hở”, chật vật lắm ông mới lách ghe ra khỏi con rạch nhỏ, trong buổi nước sắp ròng. Cũng do ghe chở tới hơn 10 người cộng với đồ đạc nhiều quá khẳm, đáy ghe rà sát mặt đáy nước.

Ban đầu, cứ tưởng ông làm thuê, cả bọn đưa mắt tìm chủ ghe, sau lái không có ai, chỉ có mình ông đi từ sau lái ra tới mũi, hì hụi chống sào. Trên bờ có người phụ nữ chạy theo để dỡ cây cầu gỗ bắc ngang rạch cho ghe ngang qua, cũng tưởng người phụ nữ nào đó cảm thương cái nhóm đi trao quà nên giúp đỡ. Chừng ghe ra con rạch lớn, thấy người phụ nữ xách nón lá lạch bạch chạy theo gào lên: “Nè nè, ông định đi mình ên hả? Cho tui đi theo, tui tiếp với chớ”. Người đàn ông nhỏ thó vẫn chống ghe xuôi theo con nước, không thèm dòm ngó gì người đàn bà chạy lạch bạch trên bờ. Ghe đi một đoạn nữa vẫn nghe người đàn bà ơi ới: “Cho tui theo mà ông, định đi mình ên hả? Tui theo tui chống ghe tiếp chớ”. Lúc này mới thấy ông tấp mũi ghe vô cái nhà de sàn ra mé sông, người đàn bà nhảy phóc lên mũi ghe rồi cầm cây sào, người đàn ông đi men theo be ghe, ra sau lái.

Ghe xuôi theo con nước đổ ra sông cái lớn, nước ròng chảy xiết cũng đỡ tay cho người phụ nữ phải chống giữ mũi ghe đi xuôi giữa lòng rạch. Ghe đi như chiếu phim chậm. Cô nói: “Ráng chút nữa ra chỗ sâu sâu mới giựt máy được”. Chiếc ghe cũ, cái máy cũng cũ, giựt vài cái mới chạy tạch tạch phun khói đen kín một khúc sông. Người đàn ông ốm o nhỏ thó ngồi cầm lái, căng mắt nhìn ra phía trước, người đàn bà thả cây sào tre dài xuôi theo lòng ghe. Lúc này đây, cô mới có thời gian ngồi kể chuyện đời mình.

Cô nói cô nhỏ hơn chồng 20 tuổi. Vừa kể vừa cười. Họ ở với nhau hơn 20 năm rồi, coi vậy chớ thương nhau dữ lắm. Bữa nào không có rượu thì mặt mày ổng quạu đeo chớ tốt bụng lắm. Hễ ổng có mối chạy ghe mướn là tui đóng cửa cái quán tạp hóa nhỏ đi theo ổng, tui phải giữ mũi ghe cho ổng chớ một mình ghe lủi vô bờ biết làm sao.

Người đàn bà kể chuyện chồng mà mắt long lanh thấy thương. Hỏi chú uống rượu có khi nào nổi nóng đánh cô không? Người đàn bà nói có chớ mà ổng ốm nhách, yếu xìu đánh tui một hai cái cũng có hề gì.

Nhẹ bâng vậy đó mà người nghe rưng rưng. Đúng kiểu phụ nữ miền Tây - lại nhẹ dạ, cái gì cũng nhẹ nhàng, cũng chịu đựng, cũng cho qua, xong rồi hớn hở như chưa từng gặp chuyện buồn phiền.

Tôi nghĩ là tôi không thể diễn tả hết chuyện tình của vợ chồng chủ đò qua bài viết ngắn ngủn này. Cái tình vợ tình chồng ở những miền sông nước, những phận thương hồ, cứ nước ròng rồi nước lớn mỗi ngày mỗi ngày, có đánh nhau rồi cũng vậy đó mà thương nhau, tôi đã thấy nhiều. Hồi cái thửa hai mươi lúc mới học nghề viết lách, tôi đi vòng quanh xứ để viết về những câu chuyện về phụ nữ. Lúc đó, tôi nghĩ biết đâu nhờ những bài viết của mình, phụ nữ miền sông nước sẽ biết mạnh mẽ hơn, biết giận thương đúng chỗ, hoặc ít ra cũng biết phản ứng gắt với mấy ông chồng ưa bạo lực. Nhưng tôi đã không làm được gì nhiều, bởi có cái gì đó ăn sâu vô tư tưởng mấy chị mất rồi. Đi đâu tôi cũng gặp những câu chuyện gần giống nhau, khi nghe tôi hỏi mấy chuyện, chị nào cũng nhìn tôi như thể tôi rớt từ nơi nào về. Có chị thiệt tế hơn, nói: Em thấy cái cặp mà chồng thả lưới vợ hái bông điên điển ngoài đó hông? Tối qua tụi nó đánh chửi rượt nhau bể xóm. Ở đây, cặp nào hông cãi, hông đánh nhau bữa đó ăn cơm hỏng ngon à. Nói chớ, có khi vì buồn quá, cuộc sống hỏng có gì mới hết nên mấy ổng biết nhậu với đánh vợ thôi.

Cái tình sông nước quá đẹp và quá buồn kiểu ấy cứ tiếp diễn song song. Xa quê chừng ấy năm đến chừng trở lại đi quanh xứ sở, vẫn thấy đẹp và buồn trộn lẫn. Ở những góc rất nhỏ, những câu chuyện rất nhỏ, khiến thấy nặng lòng, thấy thương quê, thương sông nước cứ luôn chất chứa những điều nghèn nghẹn.

MINH PHÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn