Bảo hiểm y tế cận nghèo cần lắm sự quan tâm

Cập nhật ngày: 08/04/2013 04:37:22

Hiện nay, trong khi giá các dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng tăng thì việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những giải pháp an toàn, giúp người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp có thêm điều kiện tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật cao, yên tâm trong việc khám, chữa bệnh.


Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là số lượng người có thu nhập thấp, đối tượng cận nghèo tham gia BHYT còn rất thấp và có chiều hướng giảm. Mặc dù được Nhà nước nâng mức hỗ trợ 70% số tiền đóng BHYT, nhưng số lượng người cận nghèo tham gia tại tỉnh Đồng Tháp vẫn còn hạn chế, tính đến tháng 12/2012 chỉ đạt 16,33%. Vì sao đối tượng cận nghèo dù nhận được sự hỗ trợ phần lớn mức đóng nhưng vẫn không mặn mà với việc tham gia BHYT?

Nguyên nhân chính là do các hộ cận nghèo còn quá khó khăn về kinh tế. Hiện nay, theo chuẩn cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, người thuộc hộ cận nghèo ở nông thôn có thu nhập bình quân hàng tháng từ 401 - 520 ngàn đồng và hộ cận nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 501 - 650 ngàn đồng. Khoảng cách thu nhập giữa người nghèo và cận nghèo không chênh lệch là mấy, trong khi nếu là đối tượng nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua BHYT, còn đối với người cận nghèo bằng 4,5% mức lương tối thiểu chung. Tính ra, trừ 70% phí hỗ trợ, họ phải đóng thêm hơn 170.000 đồng mới có được tấm thẻ BHYT.

Đối với một hộ cận nghèo có từ 3 đến 4 nhân khẩu, phải tốn 500-700 ngàn đồng. Số tiền này quá sức so với thu nhập của các hộ cận nghèo. Ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhiều hộ không mua nổi BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Cùng với khó khăn về kinh tế, nhận thức của một bộ phận người dân nói chung, người cận nghèo nói riêng với vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng như trách nhiệm cộng đồng còn nhiều hạn chế. Chính vì thế, ở nhiều nơi, số đối tượng cận nghèo mua BHYT đều rơi vào trường hợp bệnh trước, mua sau. Với những thẻ BHYT mua mang tính “đối phó”, không có tính liên tục, người bệnh chỉ có thể hưởng được những dịch vụ y tế thông thường. Vì theo luật định, các quyền lợi về dịch vụ kỹ thuật cao chỉ được hưởng khi tham gia BHYT từ 6 tháng trở lên.

Trong một lần đi thăm người nhà bệnh, tình cờ gặp và trò chuyện với một người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp về việc tham gia BHYT, anh này cho biết: Do còn trẻ nên không mấy quan tâm đến việc mua thẻ BHYT vì nghĩ thỉnh thoảng bị cảm cúm chỉ cần ra hiệu thuốc mua vài viên thuốc cảm là khỏi, mua BHYT làm gì cho tốn tiền. Nào ngờ vừa qua trong khi đang chạy xe ôm thì bị tai nạn đa chấn thương phải nằm cấp cứu tại bệnh viện, điều trị đến nay đã hơn một tháng vẫn chưa khỏi. Mặc dù bệnh viện đã hỗ trợ cho một phần nhưng tính ra tiền viện phí, thuốc men chắc phải bằng gần một năm đi làm. Anh ấy nói: “Được mọi người cho biết nếu có thẻ BHYT tôi chỉ phải trả 20% chi phí. Tôi cứ ân hận vì sự thiếu hiểu biết của mình về giá trị của tấm thẻ BHYT”.

Những trường hợp bị tai nạn, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo như hoàn cảnh của bệnh nhân nói trên vì không có thẻ BHYT, bệnh nhân và gia đình họ không những phải chống chọi với bệnh tật mà còn phải lo một khoản tiền không nhỏ để trả viện phí. Nếu có thẻ BHYT, gánh nặng này sẽ giảm bớt rất nhiều.

Thực hiện chính sách BHYT cho người cận nghèo là bước tiến đáng kể trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt trong điều kiện giá viện phí điều chỉnh tăng, nếu không tham gia BHYT, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người cận nghèo. Việc đối tượng cận nghèo không mặn mà tham gia BHYT đang gây khó khăn không chỉ cho chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện BHYT toàn dân. Nếu không có các biện pháp tích cực và hữu hiệu thì lộ trình thực hiện BHYT ở nhóm này sẽ khó khả thi. Số người tham gia BHYT cận nghèo thấp, cũng đồng nghĩa với việc chính sách của Nhà nước chưa đến được người dân.

Để giải bài toán nói trên, cùng với nỗ lực của ngành BHXH, thiết nghĩ chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc đóng BHYT cũng như quyền lợi mà họ được thụ hưởng. Ngoài sự hỗ trợ kinh phí cho người cận nghèo tham gia BHYT của Nhà nước và triển khai các giải pháp trợ giúp cho các hộ cận nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cần sự hỗ trợ thêm phần chi phí mua BHYT từ các nguồn tài chính khác, nhằm giúp người cận nghèo giảm bớt khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Ngọc Trầm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn