Một nữ Phó Giám đốc - năng động, sáng tạo

Cập nhật ngày: 08/04/2013 04:26:56

Tính đến cuối năm 2012, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã Hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đạt gần 1.750 tỷ đồng, tổng dư nợ trên 1.746 tỷ đồng. Trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp 44.792 lượt hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho 93.013 lao động, giúp cho 44.189 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập... Kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của Phó Giám đốc năng động, sáng tạo Phạm Thị Hòa.


Cô Phạm Thị Hòa (SN 1960), lớn lên ở xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 1981, cô tốt nghiệp ngành Ngân hàng (Trường Trung cấp Ngân hàng 1) và được phân công nhận nhiệm vụ tại Ngân hàng (NH) Nhà nước chi nhánh huyện Tháp Mười. 5 năm sau, cô về công tác ở Trường Nghiệp vụ NH Nhà nước tỉnh. Cô đã trải qua rất nhiều công việc, từ nhân viên, thủ quỹ, kế toán rồi Phó phòng Kế toán Ngân hàng nông nghiệp - Phát triển nông thôn, kiêm Trưởng phòng Kế toán Ngân hàng phục vụ người nghèo chi nhánh Đồng Tháp (tiền thân của NHCSXH) và từ năm 2004 là Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh Đồng Tháp.

Nhiệm vụ nào khi được cấp trên giao cô đều hoàn thành xuất sắc. Hơn 30 năm gắn bó với ngành ngân hàng, cô đã không ngừng rèn luyện, học tập phấn đấu vươn lên. Khi còn là nhân viên thì hăng say công việc, khi đã trở thành cán bộ thì gương mẫu, năng động, sáng tạo. Cô có nhiều sáng kiến hay, được ứng dụng rộng rãi.

Năm 2007, cô có sáng kiến xây dựng các tiêu chí cụ thể về mô hình “xã điểm” trong hoạt động tín dụng chính sách được Ban Đại diện Hội đồng Quản trị chi nhánh NHCSXH tỉnh phê duyệt thực hiện toàn tỉnh. Trong 2 năm (2007-2008) có gần 40 xã, phường đăng ký xây dựng mô hình điểm, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng và là cơ sở để xét thi đua hàng năm đối với Ban Giảm nghèo và Giải quyết việc làm các xã, phường, thị trấn trong quản lý hoạt động tín dụng chính sách. Những năm tiếp sau, cô tiếp tục có nhiều sáng kiến góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH.

Cô sống vô tư, trong sáng, đoàn kết với tập thể và chia sẻ khó khăn cùng anh em. Cô kể lại: Những ngày đầu thành lập NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Tháp hết sức vất vả, khó khăn. Ban đầu, đơn vị chưa có trụ sở; thiếu phương tiện, máy móc thiết bị làm việc và nhân lực (mỗi phòng, ban chỉ có 1 cán bộ); thêm nữa do mới thành lập nên phải họp hội liên tục... Trong khi đó, NHCSXH tỉnh phải tiếp nhận nguồn vốn tương đương với khối lượng công việc rất lớn.

Cô và anh, chị em đồng nghiệp đã nhiều đêm làm việc tới 12 giờ khuya. Khi nói về công việc chuyên môn, cô Hòa cho rằng: có thể nhiều người chỉ quan niệm NH là nơi để cho vay tiền bạc, đơn giản như một phép tính cộng trừ, nhưng không phải vậy. NH phải ra đồng, NH phải xuống chợ, NH dõi theo những công trình xây dựng... Làm sao để các đối tượng được vay vốn, kinh doanh có lãi, thoát nghèo là niềm mong mỏi của Cán bộ, nhân viên NHCSXH Đồng Tháp.

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí Phó Giám đốc một NH lớn trên địa bàn, cô còn là người mẹ, người vợ đảm đang công việc gia đình. Hai con của cô đều tiếp nối nghề nghiệp của cha mẹ. Con gái lớn công tác tại NH Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, con gái thứ hai làm việc tại NHCSXH Đồng Tháp. Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, cô Phạm Thị Hòa đã nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, Hội đồng Quản trị NHCSXH Việt Nam, Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam và Kỷ niệm chương Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn