Biến đổi đáng lo ngại
Cập nhật ngày: 12/10/2023 13:04:16
ĐTO - Ngày nay, xã hội Việt Nam đang trong bước chuyển đổi lớn. Hầu hết các lĩnh vực đã và đang trong trạng thái “bao giờ cho đến ngày xưa”. Không ngoại lệ, đạo đức, lối sống giới trẻ tỉnh Đồng Tháp có những biến đổi khá sâu sắc. Bên cạnh những yếu tố nổi bật như: ý thức tôn trọng cộng đồng; tích cực tham gia các hoạt động xã hội; năng động, sáng tạo, tự tin, tự lập; tôn trọng người khác; trung thực và cũng như trong các mối quan hệ trong gia đình là tôn trọng giá trị gia đình; tôn trọng người lớn, thương yêu, quan tâm gia đình; mong muốn xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, do các nhân tố khách quan và chủ quan tác động, đạo đức và lối sống của giới trẻ xuất hiện nhiều điểm cần được quan tâm, những xu hướng tích cực, đạo đức, lối sống của giới trẻ tỉnh Đồng Tháp có vài dấu hiệu đáng quan ngại.
Công an huyện Cao Lãnh phối hợp tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội tại Trường THPT Cao Lãnh 1 (Ảnh: CTV)
Đối với mối quan hệ xã hội, trước hết, dấu hiệu thiếu ý chí vươn lên trong cuộc sống. Trạng thái được cho là thiếu ý chí vươn lên từ cảm quan của người dạy, người quản lý và các biểu hiện trong học tập, lao động, công tác và cuộc sống trong gia đình. Có đến 57,90% giáo viên đồng ý nhận định: “Một bộ phận học sinh - sinh viên hiện nay không có mục đích sống”. Tương đương như vậy, 42,40% lo lắng về sự “thiếu ý chí phấn đấu, chưa xác định được mục tiêu, lý tưởng sống” của nhóm sinh viên tại trường Cao đẳng và Đại học trong tỉnh. Quan niệm khá thịnh hành của giới trẻ không chỉ ở Đồng Tháp là: “Trẻ không chơi - Già hối hận”, “Học mà không chơi đánh rơi tuổi trẻ...”.
Cùng với đó, sự thay đổi quan niệm giá trị sống. Có đến 25,50% coi trọng giá trị về vật chất, 27% thích hưởng thụ, đua đòi, lãng phí, 21% sống vô cảm, xa rời tập thể, ít tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Như một cách song hành, sự gian dối trong cuộc sống, học tập, hoạt động có chiều hướng nảy nở ở mọi lĩnh vực. Theo phiếu điều tra trong nhóm giáo viên, 25% cho rằng học sinh thiếu trung thực. Tình trạng “bầy đàn”, “hội đồng” “ồn ào “nơi công cộng là nhận định chung của phiếu hỏi (85,80%). “Nói tục, chửi thề” cũng được cho là khá phổ biến (47,10%) và trở nên “bình thường” trong phần đông học sinh, sinh viên. Đang xuất hiện cái gọi là “Văn hóa nghỉ chơi”, nhất là giới trẻ tham gia cộng đồng mạng. Hành vi “văn hóa nghỉ chơi” hay còn gọi là “tẩy chay” là nói xấu, lên án và cô lập một người hoặc một ít người với đám đông. Tâm lý “bầy đàn”, dễ bị kích động, bị ảnh hưởng từ những hành vi xấu của người khác trong giới trẻ được ghi nhận ở mức cao.
Đôi khi những cãi vã, va chạm đơn giản nhất cũng có thể dẫn đến cảnh “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” xảy ra. Về quan hệ trong gia đình, các khái niệm lười, ngại hay không muốn tham gia phụ giúp việc nhà trong giới trẻ mà nhất là giới trẻ học đường đang trở nên phổ biến. Tình trạng đi chơi kéo dài tận khuya và dậy rất trễ diễn ra khá nhiều. Mỗi người “là một thế giới riêng” có dấu hiệu nảy sinh trong giới trẻ qua cách hành xử “việc ai nấy làm”, đi chơi không báo, ít quan tâm đến nhau. Số liệu điều tra cho thấy, 29,50% nhóm học sinh lười học tập và khá tương đồng với con số 22% nhóm khác thì ngại lao động. Cãi vã với người lớn trong gia đình và cả hành xử bạo lực trong mỗi nhà có sự gia tăng.
Rất dễ nhận thấy có nhiều nguyên nhân khách quan tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi đạo đức, lối sống của giới trẻ. Trong đó, trước hết là yếu tố về phát triển của kinh tế thị trường với sự chi phối bởi các quy luật mà trong đó lợi nhuận là hạt nhân thúc đẩy sự tính toán được - mất. Đây là điều kiện để đồng tiền lên ngôi và đảo lộn mọi giá trị tinh thần. Hội nhập quốc tế với việc tiếp cận đa dạng về văn hóa và lối sống mà trong đó không ít loại xa lạ với truyền thống dân tộc và cộng đồng. Khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão với sự thần kỳ của công nghệ thông tin tạo nên một thế giới “thực - ảo” đưa đến sự rối loạn thông tin và truyền tải các loại sản phẩm được gọi là “văn hóa” cực nhanh với tính chất phi nhân, phi đạo đức. Có 51,80% phiếu được hỏi cho rằng tình trạng bạo lực học đường là do ảnh hưởng từ các phim bạo lực.
Học sinh, học viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tích cực tham gia các hoạt động xã hội (Ảnh: CTV)
Mặt khác, các tấm gương xấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, những người lớn và trang lứa xuất hiện ngày càng nhiều làm nhiễu loạn nhận thức của giới trẻ so với những gì đã học trong nhà trường và những lời dạy của người lớn trong gia đình. Ngoài ra, địa bàn vốn ngăn cách và tâm lý “nhà ai nấy rạng” tạo ra quan niệm và lối sống thiếu hòa đồng và sự hợp tác của giới trẻ. Về chủ quan, trước hết, sự lãnh đạo và điều hành từ cấp vĩ mô có tác động sâu sắc. Việc: “Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ” như nhận định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã “nói” lên những hệ lụy. Từ đây, một số cấp ủy, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội lập kế hoạch và thực thi mang tính hình thức, kém hiệu quả.
Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu văn hóa”, “Công sở văn hóa” chưa thật sự thẩm thấu vào hành xử của mọi người, nhất là giới trẻ. Gia đình được xem là tác nhân quan trọng nhất của hậu quả này. 65,20% phiếu điều tra cũng chỉ ra là do cha mẹ quá nuông chiều con cái. Câu thành ngữ: “Ông cưng, bà chiều” từ xa xưa như lời phê phán vẫn còn “nóng” hiện nay. Hầu hết các báo cáo của các đơn vị được khảo sát đều cho rằng sự chăm sóc của cha mẹ đã làm cho trẻ như “gà công nghiệp”, thậm chí có ý kiến lưu ý là đã “tước” đi “công cụ” sống của trẻ. Các số liệu cũng cảnh báo đối với các gia đình khá giả. Mặt khác, một số quan niệm thiếu khoa học trong chăm sóc con cái cũng dẫn đến hậu quả xấu như: chạy theo thành tích, gây áp lực lên con cái khi so sánh “với con người ta”; không chịu khó dạy bảo và tâm lý bất lực “nói nó không nghe”; sự ít gần gũi của người lớn trong gia đình với giới trẻ hoặc tình trạng “khoán trắng” cho nhà trường - “trăm sự nhờ thầy”. Ngoài ra và rất quan trọng, nguyên nhân trực tiếp thuộc về bản thân giới trẻ. Do đặc thù về lứa tuổi đang trong bước trưởng thành và hoàn thiện, nhận thức và hành động của giới trẻ còn nhiều hạn chế. Số liệu điều tra cho thấy, 50,70% nghiện game và 57,40% bị ảnh hưởng xấu từ internet và nổi lên là không có mục đích sống rõ ràng. Chính các đặc điểm tâm sinh lí, giới trẻ thiếu khả năng làm chủ bản thân, “sức đề kháng” còn yếu trước những tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài.
Cùng với những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống nói trên, một số dấu hiệu “trung tính” cần được xem xét, phân tích. Nói trung tính bởi có thể phát triển theo chiều hướng tốt hoặc xấu tuỳ theo hoàn cảnh. Đó là tình trạng giới trẻ tách mình, thích sống đơn lẻ; việc phá cách, dùng tiếng “lóng” trong giao tiếp; quan niệm dễ dãi, “thoải mái” trong quan hệ tình dục nam - nữ và lựa chọn kết hôn muộn. Rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi, giới trẻ dễ có hành vi xấu mà mỗi gia đình luôn lo lắng và xã hội quan tâm. Nhận diện được những điểm hạn chế và hiểu được ngọn nguồn nguyên nhân, gia đình và xã hội sẽ tìm phương thức tác động thích hợp đối với giới trẻ để vun đắp nhận thức, tình cảm và hành vi đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh có lưu ý rằng: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Dân Biện