Các huyện đầu nguồn chủ động ứng phó với lũ

Cập nhật ngày: 11/10/2013 05:54:33

Trước tình hình lũ lên nhanh, trong 2 ngày 8 và 9/10, đoàn kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão do đồng chí Nguyễn Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại các huyện: Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự. Tháp tùng cùng đoàn kiểm tra, phóng viên Báo Đồng Tháp đã ghi nhận vài nét về tình hình lũ.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng khảo sát khu vực
sạt lở ở xã Thường Phước 1

Theo đánh giá của các địa phương, lũ năm nay không lớn và công tác phòng, chống rất chủ động nên hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Tại Hồng Ngự, lũ đang trong giai đoạn đạt đỉnh. Ngày 6/10/2013, mực nước đo tại Trạm Thủy văn Hồng Ngự là 4,32m, ổn định so với ngày 4 và 5/10, vượt báo động II là 0,42m (thấp hơn đỉnh lũ năm 2011 là 0,66m).

Để bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân, UBND thị xã Hồng Ngự đã triển khai phương tiện, vật tư và cử người túc trực thường xuyên ở 18 chốt cứu hộ, cứu nạn với 133 người và 9 chốt xung yếu với 62 người. Các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do sạt lở như huyện Hồng Ngự, Thanh Bình luôn chú trọng công tác di dân khỏi nơi nguy hiểm. Từ đầu năm đến nay, 2 huyện này đã di dời được hơn 200 hộ dân vùng sạt lở đến nơi an toàn.

Bên cạnh việc bảo vệ tính mạng người dân thì bảo vệ tài cũng là nhiệm vụ trọng tâm. Ô bao khu 2, 3, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự đang có diện tích lúa thu đông vừa xuống giống. Tuy đang trong giai đoạn đỉnh lũ nhưng mực nước bên ngoài vẫn thấp hơn so với mặt đê khoảng 1m. Anh Nguyễn Văn Lành - nông dân sản xuất lúa trong ô bao này cho biết: “Tôi có 3ha lúa thu đông trong đê bao này, thấy mực nước bên ngoài thấp hơn đê bao, cộng thêm công tác chuẩn bị ứng phó với lũ được chính quyền địa phương quan tâm và chuẩn bị ngay từ đầu nên tôi rất yên tâm”.

Toàn thị xã Ngự Hồng có 25 khu đê bao với tổng diện tích được bảo vệ khoảng 9.023ha, trong đó vụ thu đông có 8 ô bao sản xuất lúa thu đông với diện tích hơn 2.200ha. Huyện Hồng Ngự xuống giống được hơn 6.200ha lúa, đến nay đã thu hoạch được trên 1.200ha. Dự kiến vào giữa tháng 10 địa phương sẽ thu hoạch rộ và dứt điểm vào cuối tháng 10. Trên địa bàn huyện Thanh Bình còn khoảng 3.600ha lúa thu đông chưa thu hoạch, tuy nhiên, các tuyến đê bao vững chắc có tổng chiều dài hơn 243.000m đủ điều kiện đảm bảo an toàn sản xuất.

Nhìn chung, công tác phòng, chống lụt bão được chuẩn bị ngay từ đầu nên khi chuyển qua lũ chính vụ hầu hết địa phương rất chủ động. Mặc dù mực nước lũ cao nhưng việc bảo vệ an toàn tính mạng, đời sống sản xuất của người dân ở các huyện phía bắc vẫn rất chủ động.

“Không được lơ là, chủ quan trong việc ứng phó với lũ” - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với các địa phương. Đồng chí đề nghị, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân chằng néo nhà cửa đề phòng khi có giông lốc xảy ra, tổ chức di dời dân đến nơi an toàn, duy trì hoạt động các nhóm trẻ cộng đồng.


Đoàn đi khảo sát điểm sạt lún ở đê bao Bắc Trang

Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Tân Hồng về công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) của địa phương, ông Mai Văn Siêng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: từ đầu mùa lũ, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN của huyện đã tích cực triển khai công tác phòng, chống lụt bão đến các đơn vị, cơ sở; thường xuyên tuần tra, kiểm soát, gia cố các điểm xung yếu, sạt lở ở các đê bao, ô bao sản xuất. Hiện tình hình sản xuất hoa màu, nuôi trồng thủy sản và phát triển vườn cây ăn trái khá ổn định, chưa có những tác động và thiệt hại do thiên tai gây ra. Toàn huyện có 154 trạm bơm điện, đảm bảo phục vụ bơm tiêu chống úng cho trên 15.000ha. Công tác bố trí dân vào các cụm, tuyến dân cư đảm bảo an toàn trong mùa lũ cũng đã cơ bản hoàn tất. Các điểm trường trên địa bàn cũng được xây dựng kiên cố đáp ứng tốt yêu cầu học tập an toàn trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện có 2 ô đê bao bảo vệ sản xuất ở Tân Phước và Bắc Trang bị sạt lún, huyện cũng đang tiến hành gia cố và túc trực kiểm tra 24/24 ở 2 điểm xung yếu này.

Qua báo cáo của huyện, đoàn đã đến khảo sát điểm sạt lún ở đê bao Bắc Trang. Qua khảo sát, ông Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo: Giao Chi Cục thủy lợi hướng dẫn, hỗ trợ huyện nhanh chóng khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn cho hơn 700ha lúa ở Bắc Trang, đồng thời yêu cầu huyện tiếp tục tăng cường công tác PCBL&CHCN cho đến khi lũ rút.

Rời Tân Hồng, đoàn tiếp tục chuyến công tác đến Tam Nông. Theo báo cáo của lãnh đao huyện Tam Nông, đến thời điểm này lũ ở Tam Nông vẫn “đẹp”, sinh hoạt, sản xuất, tài sản, con người trên địa bàn được đảm bảo an toàn. Các đoạn đê bao xung yếu đều được gia cố cẩn thận. Đặc biệt, các vuông tôm của huyện trong mùa lũ này phát triển rất tốt (do nguồn nước dồi dào tôm ít bệnh, màu sắc đẹp, nguồn thức ăn phong phú giúp tôm lớn nhanh). Công tác bảo vệ tính mạng người dân trên địa bàn được triển khai rất tốt. Hiện huyện có 30 nhóm giữ trẻ cộng đồng, thành lập 44 đội cứu hộ và 15 chốt bảo vệ ở những nơi xung yếu với 105 thành viên, phân công trực 24/24.

Qua khảo sát, ông Nguyễn Thanh Hùng kết luận: “Công tác phòng, chống lụt bão ở các địa phương đều chuẩn bị chu đáo, triển khai nghiêm túc, quyết liệt, việc sinh hoạt, sản xuất của người dân được an toàn, ổn định. Đây là điều đáng mừng và đáng tuyên dương. Tuy nhiên, các địa phương không vì thế mà lơ là, chủ quan, theo dự báo mực nước lũ sẽ tiếp tục dâng cao và neo lại trong nhiều ngày tới. Yêu cầu Ban Chỉ huy PCBL&CHCN ở các chốt trực phải sẵn sàng 24/24h trực ứng cứu khi có tình huống”.

Mỹ Xuyên - Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn