Cải tiến chất lượng hoạt động tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Cập nhật ngày: 16/05/2023 05:07:55

ĐTO - Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các đợt kiểm tra trực tiếp và hướng dẫn các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại các huyện thực hiện nghiêm việc tự kiểm định, đánh giá chất lượng. Tổ chức các đợt tập huấn nâng cao năng lực tư vấn, giảng dạy cho cán bộ quản lý, giáo viên trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.


Người dân xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự tham gia lớp nghề kỹ thuật trồng xoài

Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề hệ sơ cấp và ngắn hạn, mỗi năm, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo, phối hợp đào tạo các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho lao động nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện để người lao động nông thôn tham gia học nghề, tự tạo việc làm hoặc nhận gia công sản phẩm; có thêm kiến thức ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi tại hộ gia đình. Mỗi năm, sau khi kế hoạch đào tạo nghề được UBND huyện phê duyệt, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phối hợp với UBND các xã, thị trấn thông tin tuyển sinh các lớp nghề đến với người lao động nông thôn. Ngoài ra, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp còn phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tại địa phương tổ chức các lớp nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp dành cho các hội viên, phụ nữ.

Tại huyện Cao Lãnh, năm 2023, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn mở các lớp nghề, trong đó có 2 nghề mới (nữ công gia chánh và hớt tóc nam). Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thỉnh giảng cho các lớp nghề theo kế hoạch; thực hiện mô hình “Lấy ý kiến học viên, giáo viên về chương trình, giáo trình đào tạo”... Tại huyện Châu Thành, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện thường xuyên cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng do tỉnh tổ chức như: lớp kỹ năng dạy học, tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ quản lý, nhà giáo phụ trách công tác đào tạo nghề. Trong công tác giảng dạy học viên, giáo viên của trung tâm xây dựng giáo trình, giảng dạy theo các mô-đun hướng dẫn, trang bị kiến thức từ cơ bản đến nâng cao cho học viên khi tham gia học nghề. Ngoài các mô-đun lý thuyết, học viên còn thực hành để nắm các kỹ năng vận dụng vào thực tế.

Tại huyện Tân Hồng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện ngoài đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo trình độ, năng lực giảng dạy theo quy định, trung tâm còn có cơ sở vật chất gồm: 1 khu hành chính làm việc, 10 phòng học lý thuyết, 1 xưởng thực hành và một số trang thiết bị dạy nghề khác đủ phục vụ cho công tác giảng dạy từ trình độ sơ cấp trở lên. Bình quân mỗi năm, trung tâm mở 20 lớp dạy nghề thường xuyên cho lao động nông thôn với khoảng 500 học viên. Trung tâm tuyển sinh, đào tạo các nghề: may dân dụng, bảo trì, bảo dưỡng điện công nghiệp, điện dân dụng, công nhân xây dựng, may công nghiệp, đan ghế nhựa, đan giỏ xách dây nhựa, nữ công gia chánh, kỹ thuật chăm sóc móng và tóc, vận hành và sửa chữa máy phun xịt thuốc... Trong những năm gần đây, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp thường xuyên mở các lớp dạy nghề trên địa bàn dân cư ở các xã, thị trấn, linh hoạt về thời gian, địa điểm, đảm bảo thời lượng đáp ứng nhu cầu của người học. Mỗi năm, cán bộ, nhân viên trung tâm tiến hành tự kiểm định căn cứ các tiêu chí kiểm định chất lượng dạy nghề của Tổng Cục dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tiến hành xem xét, tự đánh giá thực trạng và hiệu quả trong quá trình đào tạo nghề. Qua công tác tự kiểm định, những điểm mạnh, điểm yếu của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp được xem xét đánh giá khách quan, đề ra giải pháp khắc phục.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại các huyện vẫn còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, một số nghề mới thuộc các nghề phi nông nghiệp chưa đủ giáo viên cơ hữu, phải thỉnh giảng; đa số giáo viên còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy lý thuyết với thực hành. Thực hiện các bước đổi mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ năng giảng dạy, đầu tư trang thiết bị, kịp thời điều chuyển các trang thiết bị, liên kết các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề theo nhu cầu người học nghề tại các địa phương. Đồng thời hỗ trợ các trung tâm trong việc ứng dụng số trong công tác quản lý, truyền thông liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.

H.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn