Cần chấn chỉnh việc thu phí tại một số cầu BOT

Cập nhật ngày: 05/10/2012 14:26:39

BOT (Xây dựng - vận hành - chuyển giao) cầu, đường được xem là một kênh hiệu quả để thu hút vốn tư nhân vào các công trình giao thông. Thực tế thời gian qua Đồng Tháp vận dụng khá tốt hình thức này và đã mang về cho tỉnh một số công trình hữu ích như: Cầu Sông Cái Nhỏ, cầu Thanh Mỹ - Mỹ Lợi B, cầu Tân Nghĩa...

Tuy nhiên, do hợp đồng thu phí qua cầu giữa các doanh nghiệp đầu tư và UBND tỉnh khác với quy định thu phí theo Thông tư số 90/2004/TT/BTC của Bộ Tài chính nên đã dẫn đến tình trạng đóng phí chồng phí.


Trạm thu phí cầu Sông Cái Nhỏ

Người dân gặp nhiều khó khăn bởi quy định thu phí

Được biết, Thông tư số 90/2004/TT/BTC ngày 7/9/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ thì đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Tổ chức, cá nhân (Việt Nam và nước ngoài) có phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định thu phí thì phải trả phí sử dụng đường bộ. Thông tư cũng quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm: xe ôtô (kể cả xe lam, xe bông sen, xe công nông), máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật. Như vậy, người đi bộ và xe đạp, xe đạp điện, xe đẩy tay không thuộc đối tượng chịu phí qua cầu.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi tại các cầu đầu tư theo hình thức BOT trên địa bàn tỉnh, hầu hết các phương tiện thuộc đối tượng được miễn phí qua cầu theo Thông tư số 90/2004/TT/BTC đều phải đóng phí theo hợp đồng hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp và UBND tỉnh. Đơn cử như quy định thu phí qua cầu tại Cầu Thanh Mỹ - Mỹ Lợi B (xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười). Được biết, mức thu phí đối với xe đạp khi qua cầu Thanh Mỹ hiện nay là 1.500 đồng/lượt, người đi bộ là 1.000 đồng/lượt (kể cả học sinh). Người dân nơi đây cho biết mức thu phí như vậy là quá cao đối với khu vực nông thôn, điều này đã gây trở ngại cho người dân địa phương khi phải thường xuyên qua cầu mua bán kiếm sống.

Tương tự tại cầu Tân Nghĩa và cầu Sông Cái Nhỏ huyện Cao Lãnh, tuy không áp dụng thu phí đối với người đi bộ và học sinh nhưng vẫn thu phí đối với xe đạp, xe lôi đạp, xe đẩy tay, xe đạp điện khi qua cầu là 1.000 đồng/lượt. Anh Đinh Công Hiệp ở ấp 1, xã Tân Nghĩa làm nghề sửa xe gắn máy nên phải thường xuyên qua cầu để ra chợ Tân Nghĩa lấy hàng, mỗi tháng anh đều mua vé với giá 90.000 đồng, trong khi tiền thu được từ sửa xe cho khách không ổn định lại phải trả thêm khoảng thu phí qua cầu, anh gặp rất nhiều khó khăn.

Để giảm việc đóng phí mỗi khi đi chợ, người dân ở phía bên kia cầu đã phải gởi xe trước khi qua cầu vì tiền gửi xe chỉ mất 1.000 đồng đối với xe máy và 500 đồng đối với xe đạp, thay vì chạy xe qua cầu một lượt đi về sẽ tốn gấp 4 lần tiền gởi.

Qua tìm hiểu được biết, sở dĩ có việc thu phí như trên là theo Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND tỉnh (đối với cầu Thanh Mỹ - Mỹ Lợi B), Quyết định 72/2006/QĐ-UBND tỉnh (cầu Tân Nghĩa) và Quyết định số 24/2009/QĐ-UBND (cầu Sông Cái Nhỏ). Tuy nhiên, việc áp dụng thu phí đối với xe đạp, xe lôi đạp, xe đẩy tay, xe đạp điện và người đi bộ (kể cả học sinh) như trên hoàn toàn trái với Thông tư số 90/2004/TT/BTC ngày 7/9/2004 của Bộ Tài chính.

Cần điều chỉnh mức thu phí hợp lý

Đó là mong muốn của nhiều người dân tại các xã: Thanh Mỹ - Mỹ Lợi B, Tân Nghĩa và Bình Thạnh. Ông Nguyễn Văn Khanh - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười nói: “Cầu Thanh Mỹ - Mỹ Lợi B được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thông thương đi lại, buôn bán, nhưng việc thu phí người đi bộ, xe đạp mức giá cao như vậy đã gây không ít khó khăn cho người dân địa phương. Do đó, điều địa phương và nhân dân mong muốn hiện nay là sớm chấn chỉnh việc thu phí qua cầu Thanh Mỹ - Mỹ Lợi B theo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hai xã Thanh Mỹ - Mỹ Lợi B thông thương làm ăn buôn bán, học sinh nhẹ bớt phí qua cầu”.

Thu hút đầu tư BOT là hình thức hợp tác phát triển hạ tầng giao thông hiệu quả bởi vừa giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, vừa tiết kiệm được nguồn ngân sách tỉnh tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh, tuy nhiên hợp đồng thu phí qua cầu vừa hợp lòng dân lại vừa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư là điều tỉnh cần nghiên cứu, xem xét, chấn chỉnh. Tránh việc muốn tạo thuận lợi cho người dân đi lại nhưng vô tình lại đẩy thêm gánh nặng chi phí, bởi phần đông họ đều là những người dân nông thôn kinh tế còn khó khăn...

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn