Cảnh báo nguy cơ trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Cập nhật ngày: 30/10/2015 05:01:15

Ngành y tế tiếp tục có những cảnh báo về dịch bệnh tay chân miệng (TCM) tại các địa phương. Sở Y tế dự báo từ tháng 9 đến tháng 11/2015, bệnh này có thể tăng. Trong khi đó, hành động phòng, chống bệnh TCM từ phía người thân của trẻ thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh chưa được cải thiện.

9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 2.027 ca mắc TCM, trong đó có 1 ca tử vong. Trong tháng 9, số trường hợp mắc bệnh TCM đã tăng gần gấp đôi so với tháng 8, tập trung tăng cục bộ tại TP.Cao Lãnh và các huyện: Cao Lãnh, Thanh Bình, Tháp Mười.

Điều đáng lo là nhiều gia đình không sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh TCM; khi trẻ có dấu hiệu sốt, thường tự ý mua thuốc tại các nhà thuốc cho trẻ uống; không chú ý vệ sinh nhà ở, tiệt trùng, vệ sinh đồ chơi, vật dụng sinh hoạt cá nhân; chưa tuân thủ tốt phác đồ điều trị của bác sĩ... Chị Phan Thị Lệ ngụ khóm Mỹ Tây, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh cho biết: “Tôi không nghĩ con mình mắc bệnh TCM. Ban đầu cháu sốt, bỏ ăn, tôi nghĩ cháu bị cảm, viêm họng bình thường. Sau 3 ngày không hết, cháu cáu gắt nên mới đi bệnh viện thì biết cháu bị TCM...”. Chị Nguyễn Thị Thúy ngụ khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười có con trai 3 tuổi chia sẻ: “Ban đầu cháu cũng không có biểu hiện gì, đến khi thấy da ở chân nổi mụn nước nhỏ, sốt nhẹ, tôi đưa con đi khám mới biết bị bệnh TCM...”.

Hiện nay, đa số trẻ được huy động vào học tại các trường mầm non, mẫu giáo, nhiều phụ huynh lo ngại nguy cơ trẻ mắc bệnh TCM tại các điểm trường học. Giải tỏa thắc mắc này, Sở Y tế đã tổ chức giám sát dịch tể bệnh TCM tại một số địa phương, kết quả cho thấy nguy cơ mắc bệnh TCM trong quý II tại một số địa phương tập trung ở nhóm đối tượng là trẻ không đến trường. Tại huyện Tháp Mười, trong quý 2 năm 2015, ở 13 xã, thị trấn của huyện có 46 trường hợp mắc TCM, chỉ có 4 trẻ đi học mắc bệnh, còn lại rơi vào trường hợp trẻ nhỏ hơn 3 tuổi hoặc bằng 3 tuổi chưa đến trường. Tại TP.Cao Lãnh, trong quý II, tại 15 xã, phường có 215 trẻ mắc TCM, chỉ có 20 trẻ đi học mắc bệnh.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Đồng Tháp, bệnh TCM có đặc điểm người lành mang trùng cao (cứ 5 người khỏe mạnh lại có 1 người mang vi-rút gây bệnh mà không biết), nếu lơ là là có thể lây bệnh cho trẻ khi mẹ mớm thức ăn cho con hoặc ăn cơm, uống nước chung, sử dụng chung dụng cụ ăn uống...

Để phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, người dân triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch kịp thời theo quy định. Ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo thực hiện vệ sinh lớp học, môi trường, hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giám sát công tác phòng, chống dịch, vệ sinh phòng bệnh tại các đơn vị trường, nhà trẻ tư nhân, các hộ trông giữ trẻ.

Các đơn vị y tế dự phòng toàn tỉnh chủ động xử lý các ca bệnh, ổ dịch TCM trong vòng 48 giờ sau khi nhận được thông tin từ phía người dân; xử lý triệt để không để dịch phát tán, lan rộng thêm; tập trung tuyên truyền phòng, chống bệnh TCM đến cha mẹ, người nhà trẻ em 3 tuổi tại các điểm tiêm chủng. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TCM. Khi bị bệnh, người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét. Có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên như: vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt, thu gom và xử lý chất thải của trẻ, theo dõi phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh; trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khỏi bệnh; không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác; đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị; can thiệp y tế kịp thời khi người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn