Thành công và thách thức

Cập nhật ngày: 28/10/2015 05:06:44

Tính đến ngày 24/10/2015, toàn tỉnh đã có 553 người lao động (LĐ) xuất cảnh ra nước ngoài làm việc, bằng 96% kế hoạch năm 2015 của tỉnh. Đây được xem là thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh, bởi đó là sự phấn đấu quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương dưới sự chỉ đạo thường xuyên và sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Chủ trương tái khởi động hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) được Tỉnh ủy ban hành trong chương trình hành động từ ngày 10/10/2014 trong điều kiện XKLĐ chưa được xem là giải pháp làm ăn có hiệu quả trong nhân dân và trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhưng nay đã chuyển biến rất tốt, XKLĐ được xem là giải pháp làm ăn có hiệu quả cao về kinh tế và xã hội, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Như vậy, có thể nói XKLĐ Đồng Tháp bước đầu thành công cả về số lượng và chất lượng. Có 553 người đi XKLĐ thì có 550 người có công việc ổn định, thu nhập cao, chắc chắn sự nghiệp của LĐ tham gia XKLĐ là tươi sáng và không ngừng phát triển trong tương lai.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần X tiếp tục đặt ra chủ trương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đưa LĐ ra nưới ngoài làm việc. Nhưng việc thực hiện chủ trương và kế hoạch đó cũng còn nhiều thách thức, có thể nói là rất khó khăn, cần quyết liệt hơn mới đem lại thành công.

Thứ nhất, tuy nhận thức về chủ trương của các ngành, các cấp là rất tốt, rất quyết tâm, nhưng hoạt động đưa người LĐ ra nước ngoài làm việc là hoạt động vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính xã hội sâu sắc. Hoạt động xuất khẩu là thứ hàng hóa đặc biệt là sức LĐ, mà sức LĐ đó là của từng con người cụ thể có ý thức, có năng lực, có ý chí, có tình cảm, hoàn cảnh riêng, tư tưởng và hành vi luôn biến động. Người hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ phải từng trải, nhiều kinh nghiệm, năng lực và có cả cái tâm mới thuyết phục được người tham gia. Thực tế hoạt động hơn 1 năm qua, đội ngũ cán bộ có liên quan XKLĐ đa số chỉ biết chung chung, chỉ thống nhất chủ trương mà không có mấy người có thể thuyết phục người LĐ và gia đình người LĐ bằng những lý lẽ cụ thể, những quy định trong hoạt động, những điều kiện, quyền lợi, trình tự thủ tục cụ thể cho người LĐ vững niềm tin mà tham gia tích cực. Có thể nói khó khăn lớn nhất trong hoạt động XKLĐ thời gian tới là thuyết phục cho được người LĐ nhận thức đúng và tích cực, kiên nhẫn tham gia các chương trình XKLĐ.

Thứ hai, thị trường LĐ nước ngoài mà Đồng Tháp có thể tham gia là rất hẹp, thu hút LĐ không nhiều như thị trường Trung đông: Dubay, A rập Xê Út,... hoàn toàn không phù hợp với tính cách của LĐ Đồng Tháp; thị trường Malaysia tỷ giá đồng Ringgis giảm xúc nghiêm trọng so với tiền Việt Nam, thu nhập ở Malaysia không giảm, nhưng đổi thành tiền Việt Nam thì quá thấp; thị trường Hàn Quốc cửa mở rất hẹp đối với LĐ Việt Nam do người LĐ bỏ trốn làm bất hợp pháp; thị trường Macau chỉ tuyển LĐ phục vụ khách sạn và giúp việc nhà nhưng đòi hỏi ngoại hình và ngoại ngữ rất cao, LĐ Đồng Tháp khó đáp ứng... Chỉ còn lại Nhật Bản và Đài Loan là 2 thị trường truyền thống của Đồng Tháp nhưng khả năng tiếp nhận từ bạn là rất chậm và điều kiện là khó tính. Tuy nhiên, đây không phải là rào cản quá lớn với chỉ tiêu của tỉnh.

Thứ ba, nguồn vốn hỗ trợ người LĐ từ ngân sách tỉnh cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức XKLĐ của tỉnh. Để giải bài toán khó này, trước hết cần tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, kế đó là những người có liên quan cần nắm thực tế hơn về những điều kiện, quyền lợi, chi phí, quy trình tham gia,... để tuyên truyền, vận động thuyết phục LĐ và gia đình tham gia, cuối cùng là những người làm trực tiếp trên cơ sở kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm phải quyết liệt với sự hậu thuẫn và hỗ trợ tốt nhất của những người có trách nhiệm để có thể toàn tâm, toàn ý cho công tác XKLĐ.

Băng Sơn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn