Cảnh giác thủ đoạn mua bán người

Cập nhật ngày: 14/06/2013 04:49:28

Đồng Tháp có 8 xã biên giới tiếp giáp Campuchia, đường biên giới quốc gia dài 48,7km, có 2 cửa khẩu quốc tế, 5 cửa khẩu phụ và nhiều đường tiểu ngạch qua lại biên giới. Lưu lượng người qua lại biên giới làm ăn, buôn bán ở mức cao, việc qua lại trái phép thông qua các lối mòn rất dễ dàng, đây là điều kiện cho bọn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em hoạt động.


Tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong trường học

Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng ngoài tỉnh tìm cách về các vùng nông thôn của Đồng Tháp để dụ dỗ phụ nữ, trẻ em, sau đó đem bán cho các đối tượng khác. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Tháp, tình hình phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài thông qua các hình thức môi giới hôn nhân, giới thiệu việc làm,... trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.

Những năm gần đây, trong tỉnh có nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Số nạn nhân này phần lớn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở nơi xa xôi, hẻo lánh bị bọn tội phạm dụ dỗ, lôi kéo. Tính từ năm 2005 đến năm 2012, Đồng Tháp có 35 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó tiếp nhận chính thức là 13, tự trở về là 22 người. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện 6 vụ có dấu hiệu của tội phạm mua bán người, với 10 đối tượng và 13 nạn nhân ngụ tại các huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Hồng Ngự, Tam Nông,...

Quá trình điều tra, xác minh làm rõ, ngành chức năng đã khởi tố 1 vụ, 1 bị can, chuyển 2 vụ với 5 đối tượng cho cơ quan có thẩm quyền xử lý và đang xác minh, làm rõ 3 vụ.

Vụ gần đây xảy ra vào ngày 16/4/2013 tại ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung. Phan Thanh Hoàng (SN 1979) ngụ ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã dụ dỗ đưa 3 phụ nữ ngụ huyện Lai Vung cho Nguyễn Thị Tài Nguyên (SN 1996) ngụ ấp Tân Quới, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh (đang ở Malaysia) ép buộc bán dâm. Lực lượng công an đã phối hợp với gia đình các bị hại giải cứu thành công 3 bị hại và khởi tố bị can Phan Thanh Hoàng về tội mua bán người.

Thủ đoạn của đối tượng mua bán người hiện nay là trực tiếp về nước dụ dỗ đưa nạn nhân ra nước ngoài làm việc (chủ yếu là Malaysia) và môi giới gả chồng là người Trung Quốc, nhưng thực chất là bán nạn nhân cho người nước ngoài làm vợ, bắt làm tiếp viên "bia ôm" hoặc bán dâm sau khi xuất cảnh,... Nếu nạn nhân không đồng ý thì gia đình phải gửi tiền "chuộc" (gọi là trả chi phí giấy tờ, đi lại), thường từ 30 - 50 triệu đồng thì mới được về nước.

Nguyên nhân chính của tình trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt buôn bán và đưa trái phép ra nước ngoài là do đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; nạn thất nghiệp, nhất là đối với phụ nữ ở độ tuổi lao động không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập thấp nên đa số họ tập trung về các trung tâm thành phố, thị xã hoặc một số nước lân cận để tìm việc làm, từ đó bọn tội phạm dễ dàng lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ. Ngoài ra cũng có những trường hợp muốn đổi đời để có cuộc sống tốt hơn nhưng cuối cùng lại trở thành nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Đồng Tháp, trong những năm qua, nhiều chuyên án do Bộ Công an xác lập và đấu tranh chống tội phạm mua bán người thì hầu hết đều có nạn nhân là người Đồng Tháp.

Trước tình hình tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn nguy cơ và diễn biến phức tạp, Công an tỉnh đã tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nêu những thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho quần chúng nhân dân nắm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động của tội phạm mua bán người; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tỉnh Prâyveng (Campuchia) trong việc trao đổi thông tin, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm buôn bán người, tiến hành giải cứu các nạn nhân bị mua bán và kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, Công an toàn tỉnh quyết thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, lên danh sách quản lý các đối tượng từng có tiền án, tiền sự và các đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội mua bán người để có biện pháp quản lý, phòng ngừa hiệu quả; tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ các vụ nghi vấn mua bán người đang thụ lý, kiên quyết đề nghị Viện Kiểm sát và Tòa án truy tố hình sự nhằm răn đe và tuyên truyền giáo dục cho mọi người dân nhận thức đầy đủ đối với loại tội phạm này.

Bên cạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm mua bán người của lực lượng chức năng, thượng tá Phan Ngọc Sơn, Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Đồng Tháp khuyên mọi người cần thận trọng kẻo bị lừa bán ra nước ngoài với chiêu thức giới thiệu phụ nữ kết hôn với người nước ngoài nhưng không tổ chức đăng ký kết hôn tại Việt Nam - về sau nếu người bị bán bị bóc lột thì pháp luật Việt Nam rất khó can thiệp. Khi phát hiện bị lừa bán ra nước ngoài, nạn nhân cần tìm cách báo cho cảnh sát nước sở tại để được hỗ trợ; người nhà nạn nhân không giấu giếm thông tin mà nên báo cho Công an địa chỉ chính xác về thân nhân của mình đang bị bắt giữ để sớm được giúp đỡ.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn