Chấn chỉnh tình trạng mua bán hàng rong trước khu vực cổng trường

Cập nhật ngày: 14/09/2012 14:24:48

Dù đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng tình trạng buôn bán hàng rong ở khu vực đối diện Trường Tiểu học Dương Văn Hòa - thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười vẫn tái diễn trong năm học mới.


Học sinh mua thức ăn trước cổng trường tại xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười

Trên tuyến đường Lê Quý Đôn (thị trấn Mỹ An) có đến 5 điểm trường với hơn 2.000 học sinh (HS) từ bậc Mầm non đến THPT đang theo học. Đây là trục đường chính đi qua khu vực chợ Tháp Mười với lưu lượng người lưu thông rất đông, nhất là vào thời điểm 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 17 giờ chiều hàng ngày. Việc HS đi sang đường để mua thức ăn, nước uống, đồ chơi sau đó lại vội vã sang đường để vào lớp trong lúc phương tiện lưu thông đông đúc rất dễ xảy ra tai nạn. Trước đây tại khu vực này đã xảy ra trường hợp HS va quẹt với phương tiện lưu thông khi đi sang đường.

Không chỉ mất an toàn giao thông, chất lượng các loại thức uống, bánh kẹo được bày bán cũng chưa thật sự đảm bảo vệ sinh, bởi chúng được chế biến ngay bên vỉa hè đường. Tương tự, tại xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười), khu vực gần các điểm trường THCS đều có các xe hàng rong tập trung trước cổng trường. Vào giờ HS đến trường, các em thường tụ tập tại các xe hàng rong để mua quà bánh, tham gia các trò chơi quay số, rút thăm. Một số em “mê” quay số ngồi bệt ngay bên đường để chơi cùng các bạn bất chấp trời nắng chang chang.

Để lập lại trật tự trước cổng trường trong năm học mới, một số điểm trường tại các huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh đã phối hợp với các ngành chức năng tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở các xe hàng rong, người bán hàng rong tại khu vực cổng trường. Trường THPT Cao Lãnh II phối hợp với công an địa phương trong việc giữ gìn trật tự trước cổng trường, nhắc nhở các trường hợp buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Trường THPT thành phố Cao Lãnh cũng đã phối hợp với công an phường đặt các bảng cấm mua bán hàng rong, giáo dục HS trong trường có ý thức hơn khi tham gia giao thông, không sử dụng thực phẩm không an toàn trước cổng trường.

Sau thời gian triển khai thực hiện, tình trạng mua bán hàng rong trước cổng trường đã giảm hơn so với trước đây. Tình trạng mua bán hàng rong trước cổng trường không phải mới, nhưng việc dẹp bỏ tốn nhiều thời gian bởi đa số những người buôn bán là người lao động nghèo. Vì vậy bên cạnh việc xử phạt, nhắc nhở thì việc giáo dục ý thức cho đối tượng này cần được quan tâm.

Thùy Dương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn