Chủ động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em
Cập nhật ngày: 13/01/2024 11:16:45
ĐTO - Những năm qua, tình hình trẻ em (TE) bị tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước TE có giảm, tuy nhiên vẫn còn những trường hợp tai nạn xảy ra.
Trẻ em xã Tân Thành, huyện Lai Vung tham gia học bơi tại Trường Tiểu học Tân Thành 1
Năm 2023, toàn tỉnh có trên 6.500 TE bị tai nạn thương tích, nhiều nhất là tai nạn giao thông, té ngã, bị bỏng, đuối nước... trong đó có 20 TE bị tai nạn, thương tích tử vong, tử vong do đuối nước là 18 em. Để góp phần bảo vệ TE trước nguy cơ tai nạn thương tích, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng ngừa tai nạn thương tích TE cho cha mẹ, người chăm sóc TE; phổ cập bơi phòng, chống đuối nước TE.
Theo Sở LĐ-TB&XH, TE bị tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước xảy ra các tháng trong năm, nhiều nhất vào dịp nghỉ hè và chủ yếu ở khu vực nông thôn. Nguyên nhân, do sự chủ quan, thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn trong gia đình; môi trường xung quanh trẻ còn nhiều nơi thiếu an toàn. Năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích TE. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH tổ chức được 36 lớp tập huấn kiến thức phòng, chống đuối nước TE cho các hộ gia đình có trẻ nhỏ, với hơn 1.200 người dân tham dự. Tại các lớp tập huấn, cha mẹ, người chăm sóc TE được cung cấp các kiến thức cần thiết để bảo vệ an toàn cho trẻ trước những nguy cơ bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt tại gia đình và ngoài cộng đồng.
Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn Phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố triển khai thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Để thực hiện mô hình có hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH cung cấp cho các địa phương hơn 74.000 tài liệu về tiêu chí ngôi nhà an toàn để tuyên truyền cho người dân; lắp đặt 15 biển báo phòng, chống đuối nước TE tại các nơi có nguy cơ. Phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố phối hợp UBND xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thực hiện các tiêu chí ngôi nhà an toàn như: nhà có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi của TE; để các vật sắc nhọn xa tầm tay TE... Đầu năm 2023, toàn tỉnh có tổng số hộ đăng ký là 74.200 hộ thực hiện, đến cuối năm, qua kiểm tra, đánh giá có 64.070 hộ đạt các tiêu chí ngôi nhà an toàn, đạt 86%.
Ngoài ra, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích TE phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương tổ chức tuyên truyền phòng, chống đuối nước trong trường học, khu dân cư cho gần 125.000 người tham gia, góp phần cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh, phụ huynh trong bảo vệ an toàn cho TE.
Tỉnh đoàn phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức và kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc TE; tuyên truyền cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước TE, phòng ngừa các tình huống nguy hiểm cho TE khi tham gia giao thông. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập bơi cho TE. Năm 2023, toàn tỉnh tổ chức 805 lớp phổ cập bơi, đạt 100,62% kế hoạch. Qua đó, có 22.345 em tham gia học bơi và có 21.028 em biết bơi. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chính quyền địa phương tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư các hồ bơi, tạo điều kiện cho TE vùng nông thôn tham gia học bơi, góp phần phòng, chống đuối nước TE.
Bên cạnh đó, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác phòng, chống tai nạn thương tích TE. Tại TP Sa Đéc, Phòng LĐ-TB&XH TP Sa Đéc phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức 9 lớp tập huấn cho cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ các kiến thức về phòng, chống đuối nước TE. Đặc biệt, tại huyện Lai Vung, công tác truyền thông, tư vấn phòng, chống tai nạn thương tích TE được huyện quan tâm thực hiện bằng các hình thức trực tiếp hoặc lồng ghép qua các buổi sinh hoạt tại các chi, tổ, hội ở địa phương. Qua đó, tuyên truyền cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ nâng cao ý thức trong việc chăm sóc, đảm bảo an toàn cho TE, hướng dẫn gia đình có trẻ nhỏ thực hiện đảm bảo các tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích TE. Đồng thời, Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức hội thi tìm hiểu về cách phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; treo các pano, tranh, khẩu hiệu tuyên truyền về tai nạn thương tích tại địa bàn dân cư. Tập huấn, nâng cao năng lực phòng, chống và sơ cấp cứu tai nạn thương tích TE cho 100% Trạm y tế xã, thị trấn, nhân viên y tế khóm, ấp.
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố tiếp tục triển khai nhiều hình thức truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích TE cho cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ; duy trì vận động người dân thực hiện các tiêu chí ngôi nhà an toàn, cắm biển cảnh báo tại các nơi nguy hiểm; tăng cường phổ cập bơi phòng, chống đuối nước TE góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tai nạn thương tích TE.
MỸ XUYÊN