Giải pháp hiệu quả vận động, tuyên truyền lao động tham gia học nghề, tìm việc làm
Cập nhật ngày: 11/01/2024 05:53:26
ĐTO - Năm 2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Cao Lãnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp phối hợp mở các lớp nghề phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương. Đồng thời kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động tham gia đăng ký việc làm trong, ngoài tỉnh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người dân huyện Cao Lãnh tham gia lớp nghề kỹ thuật chăm sóc móng và tóc
Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn khảo sát nguyện vọng của người dân có nhu cầu học nghề và mở các lớp nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Năm 2023, các nghề được đào tạo tại huyện gồm: điện dân dụng, trang điểm, làm tóc, kỹ thuật chăm sóc móng và tóc, sửa kiểng Bonsai, nữ công gia chánh, vận hành sửa chữa máy phun xịt thuốc, tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối... Các lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp được mở ở các xã, thị trấn thuận tiện cho người dân không phải di chuyển xa, theo quy định của Sở LĐ-TB&XH, người học nghề sơ cấp, dưới 3 tháng được hỗ trợ 100% chi phí học nghề, được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại trong thời gian học nếu ở xa địa điểm học nghề.
Sau khi kết thúc chương trình học, người học nghề sẽ được nhận chứng nhận hoàn thành khóa học. Với cách làm này, năm 2023, huyện Cao Lãnh mở 17 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, với 326 học viên và 23 lớp nghề thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, với 456 học viên. Sau học nghề, người lao động có việc làm đạt trên 80%, thu nhập trung bình từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày.
Để giúp người lao động kịp thời nắm bắt thông tin về học nghề, việc làm, Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, thị trấn tập trung thông tin, tuyên truyền trên Đài phát thanh; tuyên truyền đến đối tượng quân nhân xuất ngũ, học sinh THPT, sinh viên cao đẳng, đại học chưa tìm được việc làm hoặc có việc làm chưa ổn định; tư vấn, hướng nghiệp, định hướng vận động người lao động tham gia các phiên Giao dịch việc làm hàng tháng. Các đơn vị còn phối hợp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, hội thảo chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và du học sinh vừa học vừa làm tại Hàn Quốc; chương trình tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm và Công ty TNHH Nhật Huy Khang (TP Hồ Chí Minh) tổ chức phiên Giao dịch việc làm chuyên đề có gần 300 lao động, học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ... tham dự. Ngoài ra, tổ chức 2 đợt tư vấn, tuyển dụng, giới thiệu việc làm trực tiếp tại cụm xã, thị trấn có hơn 100 lao động tham gia, đưa 1.254 lao động, học sinh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tìm hiểu thông tin các thị trường làm việc ở nước ngoài... Qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực, đến nay, có 293/280 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 104,64% kế hoạch; 419 lao động đang học định hướng. Thông qua các Tổ tư vấn việc làm xã, thị trấn đã giới thiệu việc làm cho gần 8.500 lượt lao động, đạt 110,55% kế hoạch. Các giải pháp tạo việc làm cho người lao động đã góp phần hiệu quả trong chuyển dịch lao động nông thôn từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Năm 2024, UBND huyện Cao Lãnh, Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm và các công ty tuyển dụng lao động, tìm hiểu thị trường phù hợp để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại địa phương Đồng thời chú trọng công tác khảo sát, cập nhật số lượng lao động là bộ đội xuất ngũ, sinh viên ra trường chưa có việc làm, lao động có việc làm không ổn định hoặc thu nhập thấp; học sinh tốt nghiệp lớp 12 không xét tuyển vào đại học để vận động. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tập trung tư vấn, vận động, hướng nghiệp, dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp gắn với các nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương, tạo điều kiện để người dân tham gia học nghề, có việc làm sau khi học nghề. Phòng LĐ-TB&XH phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội huyện tổ chức tuyên truyền các chính sách hỗ trợ học nghề, tìm việc làm kết hợp với vận động hội viên, thành viên tham gia các lớp nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp tại địa phương; duy trì, nhân rộng mô hình, tổ tư vấn giới thiệu việc làm tại các xã, thị trấn. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường THCS, THPT thực hiện tốt công tác phân luồng, tăng cường hướng nghiệp tuyển sinh đến học sinh, định hướng sớm giúp các em lựa chọn ngành nghề, đăng ký học nghề phù hợp.
P.L