Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động

Cập nhật ngày: 10/02/2017 13:28:15

ĐTO - Thực trạng trên cả nước hiện nay, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp có chiều hướng đang ngày càng nghiệm trọng và gia tăng gây bức xúc trong xã hội, đây là vấn đề được nhiều người quan tâm. Riêng năm 2016, ở Đồng Tháp xảy ra 10 vụ TNLĐ làm chết 11 người, tăng hơn so với năm 2015 có 9 vụ làm chết 8 người.

Các vụ TNLĐ xảy ra trong các doanh nghiệp chủ yếu như: tai nạn do điện giật, ngã từ trên cao, gãy cần trục, vận hành xe nâng không đúng quy trình, ngã từ xe ô tô, va đập vật thể,... Nguyên nhân do người sử dụng lao động không đảm bảo điều kiện an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh lao động (VSLĐ) tại nơi làm việc; không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện ATLĐ cho người lao động; người lao động vi phạm nội quy, quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ);...

Với mong muốn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như người lao động, chủ động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, chính quyền địa phương, các ngành cần thực hiện tốt việc chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành, quản lý tốt công tác ATVSLĐ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng cao như xây dựng, sử dụng điện, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại. Tuyên truyền, triển khai Luật ATVSLĐ và hướng dẫn thi hành, để người sử dụng lao động, người lao động thực hiện nghiêm túc, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; triển khai hướng dẫn việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, các quy trình về ATVSLĐ thuộc lĩnh vực ngành quản lý.

Các doanh nghiệp triển khai, thực hiện tốt công tác ATLĐ, VSLĐ theo quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Thánh hành động về ATVSLĐ” nhằm nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Đẩy mạnh các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động. Tổ chức củng cố, kiện toàn bộ phận ATVSLĐ của doanh nghiệp, bố trí cán bộ phụ trách ATVSLĐ, bộ phận y tế, mạng lưới an toàn vệ sinh viên; triển khai kế hoạch ATVSLĐ hàng năm. Rà soát, xây dựng nội quy, quy trình làm việc, có bảng chỉ dẫn đảm bảo ATLĐ, VSLĐ phù hợp với từng loại thiết bị, máy móc, nơi làm việc đầy đủ. Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, bắt buộc người lao động sử dụng những phương tiện đã trang bị theo quy định. Thực hiện tốt việc huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; thực hiện kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại nơi làm việc để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc tốt sức khỏe cho người lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, phân xưởng, tổ sản xuất nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ.

Ngoài ra, cần từng bước xã hội hóa công tác ATVSLĐ, nâng cao cộng đồng trách nhiệm giữa các cấp chính quyền với cộng đồng xã hội, phát huy sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, những người sử dụng lao động, người lao động tham gia vào các hoạt động ATVSLĐ, phòng, chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn công tác phòng, chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp sẽ đạt được hiệu quả cao. Người lao động được đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe để lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

HOAN HUYỀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn