Chủ động thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu lao động

Cập nhật ngày: 24/08/2023 05:55:56

ĐTO - Đến tháng 8/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đồng Tháp thực hiện nhiều giải pháp kết nối cung - cầu lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tuyển dụng lao động tại Đồng Tháp.


Viên chức Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp (bên phải) hướng dẫn người lao động viết thông tin tìm việc làm

Hiện nay, tình hình lao động - việc làm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn xảy ra tình trạng thừa, thiếu lao động cục bộ giữa một số các ngành, nghề. Trong đó, các nghề thuộc lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản có nhu cầu tuyển dụng nhiều, riêng ngành dệt may, giày da nhu cầu tuyển dụng ít. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm DVVL Đồng Tháp đã tiếp nhận 8.991 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, có 4.992 lao động Đồng Tháp bị thất nghiệp trở về địa phương sau thời gian làm việc tại các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh... Đa số người lao động bị cắt giảm việc làm thuộc nhóm không có tay nghề, chưa qua đào tạo, tuổi từ 30 tuổi trở lên...

Hỗ trợ nguồn lao động bị cắt giảm trở về địa phương, Trung tâm DVVL Đồng Tháp chủ động nắm bắt tình hình nhu cầu tuyển dụng, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ngành sử dụng nhiều lao động (thực phẩm, chế biến lương thực, thủy sản...) để kịp thời triển khai, thực hiện các giải pháp kết nối, hỗ trợ người lao động. Tại các phiên Giao dịch việc làm, viên chức Trung tâm DVVL Đồng Tháp chuẩn bị và phát các phiếu khảo sát nhu cầu, nguyện vọng tìm việc làm của người lao động, sinh viên (sau thời gian hoàn thành chương trình học). Trung bình mỗi phiên Giao dịch việc làm tổ chức tại TP Cao Lãnh và các huyện, thành phố, viên chức Trung tâm DVVL Đồng Tháp phát từ 100 - 600 tờ rơi thông tin nhu cầu tuyển dụng, các chính sách ưu đãi của tỉnh dành cho người lao động, học sinh, sinh viên tham gia học nghề.

Năm 2023, Trung tâm DVVL Đồng Tháp tham gia cùng với Đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến gặp gỡ hơn 12 công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, ghi nhận nhu cầu tuyển dụng thực tế gồm lao động phổ thông, lao động qua đào tạo. Tại các buổi gặp gỡ, lãnh đạo Trung tâm DVVL Đồng Tháp cung cấp các thông tin về nguồn lao động, trình độ và tay nghề của người lao động đến với đơn vị sử dụng lao động. Đặc biệt, Trung tâm còn tổ chức các phiên Giao dịch việc làm tại các điểm có các khu, cụm công nghiệp để đại diện công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tham gia gặp gỡ, phỏng vấn đối với người lao động, học sinh, sinh viên. Từ đầu năm 2023 đến nay, có 657 doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh phối hợp với Trung tâm đăng ký tuyển dụng hơn 29.700 lao động gồm lao động chuyên môn, lao động phổ thông. Đặc biệt, có 39 doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đăng ký nhu cầu tuyển hơn 1.972 lao động.

Không chỉ chú trọng công tác kết nối, cung - cầu lao động, Trung tâm DVVL Đồng Tháp còn quan tâm chất lượng nguồn lao động giới thiệu cho các công ty, doanh nghiệp. Trong công tác phối hợp tuyển sinh, Trung tâm DVVL Đồng Tháp thực hiện nghiêm chất lượng đào tạo, theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các học viên tham gia học tại các cơ sở của Trung tâm và đơn vị phối hợp đào tạo đều nghiêm túc về ý thức học tập, tác phong, tự tin thể hiện năng lực trong suốt thời gian học. Mỗi năm học, Trung tâm DVVL Đồng Tháp tổ chức các cuộc thi kỹ năng nghề cấp cơ sở để học sinh, sinh viên tham gia rèn luyện, học hỏi những kinh nghiệm. Những học sinh thể hiện tốt kỹ năng nghề khi tham gia thi sẽ được Trung tâm và đơn vị phối hợp đào tạo có kế hoạch bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên sâu giúp các em tiếp tục dự thi kỹ năng nghề cấp tỉnh, khu vực, Quốc gia...

Chủ động thực hiện kết nối cung - cầu lao động, Trung tâm DVVL Đồng Tháp phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố khảo sát, ghi nhận nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Duy trì các hoạt động tư vấn việc làm cho người lao động bằng hình thức: trực tiếp, gọi điện thoại; tiếp nhận thông tin qua Website, Facebook, Zalo, Fanpage... Bên cạnh đó, phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền các chính sách ưu tiên dành cho người lao động tham gia đăng ký đi làm việc trong, ngoài tỉnh. Cử viên chức tiếp nhận, hướng dẫn người lao động khi đến Trung tâm tìm việc làm mới.

H.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn