Kỷ niệm 60 năm ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021), hưởng ứng ngày Vì nạn nhân chất độc da cam
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Cập nhật ngày: 06/08/2021 14:45:13
ĐTO - Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng hàng triệu người dân Việt Nam và những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn hằng ngày phải mang trong mình di họa của cuộc chiến, bị phơi nhiễm chất độc da cam (CĐDC)/dioxin. Thảm họa da cam đã làm cho hàng triệu trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, nhiều phụ nữ không có được thiên chức làm vợ, làm mẹ; nhiều người khác đang từng ngày quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến CĐDC/dioxin. Đặc biệt, nhiều nạn nhân còn phải sống trong cảnh nghèo khổ, khó khăn về kinh tế, đau đớn day dứt về tinh thần, bệnh tật giày vò, hàng ngày vật vã với những cơn đau. Nhiều nơi trên đất nước ta, chất độc hóa học từ thời chiến tranh vẫn còn đó, thấm sâu vào lòng đất nguồn nước, đang hủy hoại môi trường, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn trong đời sống của nhân dân.
(Ảnh minh họa - nguồn internet)
Hàng năm, ngày 10/8 được chọn làm ngày “Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam”. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, huy động sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân nhằm giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam, từng bước giảm bớt khó khăn và chăm sóc tốt hơn cho nạn nhân chất độc da cam.
Ở Đồng Tháp, trong chiến tranh có 3 khu vực gồm huyện Cao Lãnh, Tháp Mười và Châu Thành bị rải chất độc hóa học nhưng sau ngày hòa bình do cán bộ kháng chiến và người dân sống trong những vùng bị nhiễm chất độc trở về quê hương, di cư sinh sống vùng đất mới nên số người là nạn nhân bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin lan tỏa đến các địa phương trong tỉnh. Huyện Tân Hồng có 296 nạn nhân CĐDC là địa phương có số nạn nhân cao nhất tỉnh, huyện Lai Vung chỉ có 4 nạn nhân, có ít nạn nhân CĐDC nhưng số người dân bị phơi nhiễm lại cao. Hiện toàn tỉnh có khoảng 8.000 người bị phơi nhiễm CĐDC, trong đó có 2.150 người hoạt động kháng chiến và con của người tham gia kháng chiến bị nhiễm được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trên 6.000 người là quân nhân trực tiếp tham gia tại các chiến trường và người dân sống trong vùng bị rải chất độc hoá học, trong đó có hơn 4.559 người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng theo chế độ người khuyết tật, người nghèo.
Vấn đề quan tâm hiện nay là di chứng CĐDC đã di truyền đến thế hệ thứ 3, số lượng đối tượng này ở Đồng Tháp khá nhiều. Đa số các nạn nhân CĐDC trong tỉnh đều có đời sống khó khăn, bởi luôn bị các căn bệnh nguy hiểm hành hạ, cơ thể khiếm khuyết nên không thể lao động mưu sinh, trong đó có nhiều trường hợp không tự phục vụ được phải cần đến sự chăm sóc của gia đình, số nạn nhân qua đời vì bệnh tật ngày càng tăng. Nguyện vọng của các nạn nhân CĐDC đều mong muốn cuộc đấu tranh đòi công lý sớm được giải quyết. Những người dân bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin mong muốn được công nhận là nạn nhân CĐDC/dioxin để hưởng chính sách ưu đãi giúp họ vượt qua nghịch cảnh khó khăn, bệnh tật, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Với mục tiêu "Tất cả vì nạn nhân chất độc da cam", những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực. Như tập trung vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhằm giúp đỡ các nạn nhân CĐDC gặp khó khăn; tổ chức thăm viếng tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày “Vì nạn nhân CĐDC (10/8), xây nhà tình thương, trợ cấp khó khăn, tặng xe lăn xe lắc, trao học bổng cho con nạn nhân, hỗ trợ vốn sản xuất…; phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương tổ chức vận động và thăm viếng, hỗ trợ hàng ngàn gia đình chính sách, người khuyết tật, hộ nghèo trong đó có gia đình nạn nhân CĐDC. Hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC được vận động từ nhiều nguồn lực xã hội với nhiều hình thức kết hợp gắn kết phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC” với các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “ Vì người nghèo”,... của địa phương. Ngoài ra, tham gia dự án “ Chăm sóc sức khỏe và Phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin” giai đoạn 2018-2021, hiện dự án này đang triển khai thực hiện ở 3 huyện: Tân Hồng, Tam Nông và Tháp Mười.
Từ các hoạt động trên đã góp phần tạo hiệu ứng tốt cho xã hội, cộng đồng thấu hiểu quan tâm hơn, gia đình nạn nhân cũng phấn khởi, ấm lòng, khắc phục khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Mặc dù vậy, tỷ lệ người được hưởng chế độ so với số nạn nhân bị phơi nhiễm vẫn còn thấp, chưa có chính sách đối với nạn nhân là thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm, công tác phối hợp trong chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân có nơi hiệu quả chưa cao. Đây cũng là vấn đề cần phải có những giải pháp thiết thực để khắc phục trong thời gian tới.
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021), hưởng ứng Ngày vì nạn nhân chất độc da cam, nhắc nhở chúng ta nổi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai, tất cả mỗi chúng ta cùng chung sức, chung lòng, tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa cho công tác khắc phục hậu quả, giúp đỡ nạn nhân CĐDC vượt qua khó khăn, vất vả, cả về vật chất và tinh thần; tiếp tục nói lên tiếng nói của lương tri và trách nhiệm. Đây không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm nghĩa tình của tất cả chúng ta hiện nay cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
HOAN HUYỀN