Chuyện con cà ... con kê
Cập nhật ngày: 07/09/2015 05:47:04
Mấy hôm trước, có người gửi thư điện tử (mail) cho tôi, ngoài nội dung góp ý chuyện này, động viên chuyện kia, lại còn kèm theo một đoạn “chat” - tiếng Việt mình gọi là “tán gẫu” - trên mạng in-tờ-nét giữa 2 công chức hay viên chức gì đó, ở một cơ quan hay một tổ chức nào đó. Đọc lướt qua thì thấy, có chuyện chung có chuyện riêng, nhưng chuyện chung thì trở thành chuyện riêng, rồi chuyện hẹn hò, chuyện ăn uống, chuyện làm đẹp, chuyện nói sau lưng người này, sếp nọ. Nói chung là chuyện “con cà con kê” (vô mạng để coi người ta định nghĩa “con cà con kê” là gì thì thấy mấy ông ngôn ngữ học giải thích lòng vòng, hình như thế này, hình như thế kia; đúng là giải thích “con cà con kê” cũng theo kiểu... “con cà con kê”).
Chuyện không chỉ vậy, nhìn kỹ lại thì thấy thời gian hiện ra trong các hộp thoại chat từ giữa buổi sáng kéo dài đến buổi chiều ngày làm việc (nói nào ngay có trừ khoảng thời gian ăn và nghỉ trưa!). Nghĩa là, trong giờ hành chính, nghĩa là trong “8 giờ vàng ngọc”, cái mà chúng ta hay gọi là “Ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả”!. Người gửi mail còn quả quyết rằng, chuyện như vậy không hiếm ở nhiều cơ quan, đơn vị đâu! Chuyện “tám”, chuyện “chém gió” giờ đây không chỉ ở vỉa hè, đường phố, trong hàng quán, mà đã từ lâu len lỏi vào các cơ quan công quyền rồi!
Nghĩ tới rồi nghĩ lui, lật bề này rồi lật bề kia để nhìn nhận chuyện này ở nhiều góc độ xem sao. Thật ra, làm việc không hẳn chỉ là ngồi nghiêm túc, xuyên suốt bên bàn giấy, cạnh cái vi tính, chỉ mần, mần và mần. Cũng có phút nghỉ ngơi, cũng cần một chút thư giãn để đầu óc bớt căng thẳng cho tinh thần thư thái hơn để rồi làm cho hiệu suất làm việc tốt hơn. Vấn đề ở đây chính là sự lạm dụng nó, là sử dụng không hiệu quả các phương tiện làm việc được cơ quan, đơn vị trang bị với mục đích làm cho công việc tốt hơn, guồng máy vận hành nhanh hơn. Có phải vậy không mà nhiều thủ trưởng cơ quan, đơn vị ngần ngại trang bị thêm máy vi tính vì cho rằng nhân viên chỉ chơi trò chơi, chỉ “chát chít”! Máy vi tính chỉ là công cụ, vấn đề là người sử dụng có biết tận dụng sức mạnh của nó để phát huy hiệu quả cao nhất cho công việc của mình, phục vụ tốt nhất cho hệ thống của mình hay không? Đó là một trong những điều kiện hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Nếu dành thời gian để “tán gẫu” thì vừa là lãng phí, vừa là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu người, tình trạng trì trệ, ách tắc công việc trong bộ máy của chúng ta. Chính phủ ban hành Chương trình Cải cách hành chính gắn với tinh giản biên chế và xác định vị trí việc làm cho từng chức danh công chức là xuất phát từ lý do đó.
Nhiều người đứng đầu cơ quan, đơn vị hay than phiền do thiếu biên chế nên công việc bị chậm trễ. Nhưng khi bước vào cơ quan, nhìn thấy chỗ này vài ba công chức ngồi tụm năm, tụm ba tán gẫu, chỗ nọ có anh cán bộ, chị nhân viên đang dán mắt vào màn hình để chơi trò chơi, “chát chít” thì bà con mình sẽ suy nghĩ gì về một bộ máy như vậy được vận hành bằng tiền thuế của chính người dân, những cán bộ công chức được trả lương cũng bằng tiền đóng thuế của người dân. Vậy thì, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nghĩ gì và cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Cơ quan nào cũng thấy treo bảng công chức “6 biết”, nhưng từng cán bộ, công chức hãy biết điều trước tiên, đó là “tinh thần tự trọng, tự mình yêu quý và có trách nhiệm với công việc của mình”, phải có ý thức làm sao mỗi ngày công việc của mình một tốt hơn, để xứng đáng với “đồng tiền, bát gạo” mà người dân đang gồng gánh trả cho mình.
Máy vi tính, ngoài chức năng là phương tiện làm việc, còn có thể vào đó để tìm kiếm, cập nhật và chia sẻ thông tin, bổ sung kiến thức hữu ích cho riêng mình, cho bạn bè, đồng nghiệp, cho công việc. Đừng biến nó thành vật trang trí cho ra vẻ, rồi sử dụng chỉ để “chát chít”, “tám chuyện”, “chém gió”!
Thôi, nói lòng vòng lại thành “con cà con kê” rồi. Xin chấm hết và cám ơn người đã gởi cho Xích Lô đoạn “chat” như một lời “đặt hàng”.
Xích Lô