Cơ hội cho lao động làm việc ở Hàn Quốc
Cập nhật ngày: 23/12/2015 10:30:09
Năm 2015, Hàn Quốc tiếp nhận khoảng 8.000 lao động (LĐ) Việt Nam đến làm việc theo chương trình cấp phép LĐ phổ thông (EPS) (chưa kể LĐ của các nước khác) và tiếp nhận hơn 10.000 du học sinh từ các nước khác. Chương trình cấp phép EPS là chương trình mà Chính phủ Hàn Quốc cho phép LĐ nước ngoài vào làm việc cho các doanh nghiệp ở Hàn Quốc hàng năm với các điều kiện: nam, nữ tuổi từ 18 – 39, tốt nghiệp THCS trở lên, có sức khỏe tốt, không bị pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc cấm xuất nhập cảnh vào Hàn Quốc, đặc biệt phải có chứng chỉ đã học và vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn Quốc do Tổ chức ngôn ngữ Hàn Quốc phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam tổ chức. Hiện nay, Hàn Quốc tiếp nhận cả LĐ phổ thông và LĐ có nghề sang làm trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và thủy sản. Thu nhập hàng tháng người LĐ được chủ sử dụng trả từ 1.500 – 2.000 USD. Tổng chi phí xuất khẩu lao động (XKLĐ) khoảng 35 triệu đồng/người, thời gian hợp đồng là 4 năm 10 tháng.
Qua thông tin trên, chúng ta thấy Hàn Quốc là thị trường LĐ tốt, thu nhập cao, thời gian làm việc khá dài mà chi phí thấp, đòi hỏi chất lượng lao động không cao. Nhưng, cái khó nhất hiện nay là chứng chỉ tiếng Hàn do Hàn Quốc cấp. Khó không phải là Đồng Tháp không có giáo viên dạy tốt, không phải là LĐ thi không đạt kết quả mà chính là Hàn Quốc chưa tổ chức thi kể từ năm 2012 đến nay do LĐ Việt Nam làm việc bất hợp pháp vượt quá mức 30% so với LĐ đang làm việc tại Hàn Quốc, nên Hàn Quốc chưa chịu tổ chức kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn mới.
Năm 2015, Bộ Lao động Việc làm Hàn Quốc thỏa thuận đặc biệt với Việt Nam sẽ tiếp nhận 30.000 LĐ Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS. Đợt 1, Hàn Quốc nhận 2 đối tượng: LĐ mẫu mực, tức LĐ đã làm việc ở Hàn Quốc không vi phạm pháp luật và không đổi công ty trong thời gian làm việc, sau khi hết hạn hợp đồng về Việt Nam đúng hạn sẽ được kiểm tra trình độ tiếng Hàn, nếu đạt yêu cầu sẽ được trở lại Hàn Quốc làm việc lần 2 (Đồng Tháp có 27 lao động được trở lại Hàn Quốc làm việc trong năm 2015); LĐ đã có chứng chỉ tiếng Hàn Quốc do đã tham gia kỳ thi tiếng Hàn năm 2012 đạt yêu cầu (11 LĐ). Theo nhận định của giới hoạt động trong lĩnh vực LĐ việc làm, năm 2016 Hàn Quốc sẽ bổ sung chỉ tiêu tiếp nhận LĐ Việt Nam bao gồm 3 đối tượng: LĐ mẫu mực, LĐ đã có chứng chỉ tiếng Hàn từ năm 2012 và LĐ có chứng chỉ tiếng Hàn do Hàn Quốc tổ chức trong kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn năm 2016, bởi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang phát triển tốt; LĐ Việt Nam được Hàn Quốc đánh giá là làm việc có chất lượng và hiệu quả cao, góp phần đáng kể cho kinh tế Hàn Quốc; Chính phủ Việt Nam đang có nhiều cố gắng để giảm tỷ lệ LĐ bất hợp pháp ở Hàn Quốc bằng nhiều giải pháp chính trị - kinh tế đối với người vi phạm (về chính trị là tăng cường vận động các gia đình có con em đang LĐ bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước; về kinh tế là phạt vi phạm hành chính đến 90 triệu đồng/LĐ vi phạm, áp dụng biện pháp đặt cọc chống trốn đến 100 triệu đồng đối với LĐ mới xuất cảnh...).
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp (DVVLĐT) đã tổ chức đào tạo tiếng Hàn cho gần 300 LĐ đủ điều kiện tham gia thi kiểm tra tiếng Hàn Quốc. Tuy nhiên, con số này là rất ít so với cả nước. Trung tâm sẽ tiếp tục mở thêm nhiều lớp đào tạo tiếng Hàn để chuẩn bị khoảng 500 LĐ đủ điều kiện dự thi trong thời gian tới. LĐ học tiếng Hàn từ 3 - 6 tháng sẽ được dư thi, nhưng Hàn Quốc thông báo trước ngày thi chỉ 30 ngày nên LĐ không thể chờ có thông báo ngày thi mới học tiếng Hàn).
Đồng Tháp có hơn 750 LĐ đã đi Hàn Quốc làm việc, mỗi LĐ tích lũy cho gia đình trên dưới 1 tỷ đồng. Vì vậy để được sang Hàn Quốc làm việc, điều kiện bắt buộc là phải có chứng chỉ tiếng Hàn do Hàn Quốc cấp mà muốn có chứng chỉ tiếng Hàn phải đến Trung tâm DVVLĐT học tiếng Hàn theo quy định mới được dự kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn trong thời gian tới. Đó là cơ hội thứ nhất dành cho LĐ Việt Nam. Còn cơ hội thứ hai là đến Hàn Quốc làm việc và học tập theo chương trình vừa học vừa làm, chúng tôi sẽ thông tin trong kỳ sau.
Băng Sơn