Công nhân thời kinh tế khó khăn
Cập nhật ngày: 31/12/2012 14:11:55
Buổi trưa ngày 27/12, đến dãy nhà trọ Thanh Nga, tọa lạc trong con hẻm nhỏ cặp Khu Công nghiệp (KCN) SaĐéc thuộc khóm Tân Mỹ, phường Tân Qui Đông để tìm hiểu về đời sống công nhân lao động trong những ngày cuối năm 2012, chúng tôi được ông Nguyễn Thanh Chương chủ nhà trọ cho biết: “Cuộc sống anh chị em công nhân lúc này rất khó khăn”.
Nhiều công nhân đang gặp khó khăn
Theo lời chỉ của ông Chương, chúng tôi đến phòng trọ số 4 của vợ chồng công nhân Nguyễn Phương Bình và Nguyễn Thị Nhũ, quê ở Chợ Mới, tỉnh An Giang. Được biết, vợ chồng anh chị đang trong cảnh “ngồi chơi xơi nước” đã nhiều ngày vì công ty, nơi họ làm không có nguyên liệu sản xuất.
Vợ chồng anh Bình – chị Nhũ có hai con trai, đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi. Nhà không có ruộng đất, vợ chồng làm mướn kiếm sống. Khoảng giữa năm 2011, anh chị dắt díu nhau đến KCN Sa Đéc xin làm công nhân. Chị Nhũ xin vào làm công nhân kiểm phẩm cho Công ty Thủy sản Thanh Hùng, anh Bình làm công nhân bốc vác cho các cơ sở chế biến gạo trên địa bàn thị xã Sa Đéc. Những lúc công ty của hai người có nguyên liệu, thu nhập tuy không nhiều nhưng cũng đủ cho gia đình trang trải cuộc sống và gửi một ít tiền về quê cho ông bà ngoại nuôi con.
Hơn 6 tháng nay, chỉ có 1 tháng chị Nhũ lãnh được trên 4 triệu đồng, 4 tháng còn lại chỉ lãnh trên 1 triệu đồng/tháng, riêng trong tháng vừa rồi chị chỉ lãnh được hơn 600 ngàn đồng. Chị Nhũ tâm sự: “Dạo này công nhân thủy sản như bọn tôi một tháng làm việc chỉ vài ngày nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Tôi ở đây để ngày nào công ty có hàng thì kêu mình vô làm, chứ về quê biết làm gì bây giờ”.
Không có công việc làm ổn định trong thời buổi giá cả đang tăng cao như hiện nay, để tiết kiệm, trong thực đơn thường ngày của vợ chồng chị Nhũ thường là các món: trứng, cá biển và rau luộc. Giờ khoảng tiền nhà trọ hơn 700 ngàn đồng/tháng là một gánh nặng đối với vợ chồng chị.
Tương tự như vợ chồng anh Bình, một số công nhân khác tại nhà trọ Thanh Xuân cũng thường xuyên nghỉ làm vì công ty không có hàng. Không có việc làm, không có thu nhập cũng đồng nghĩa với cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Thành Chương - chủ nhà trọ Thanh Xuân nói: “KCN này chủ yếu là các công ty chế biến thủy sản, mấy tháng nay không có hàng nên công nhân ở trọ nghỉ hoài. Nhà trọ của tôi, mỗi tháng chỉ hơn 600 ngàn đồng nhưng công nhân không có tiền đóng, phải chịu khó thu 2-3 lần mới xong. Thời buổi kinh tế ảnh hưởng mình phải chịu thôi”.
Đến nhà trọ Trí Thức trên địa bàn ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông tìm hiểu, tình cảnh của những công nhân đang ở khu nhà trọ này chẳng khá hơn là bao. Chủ nhà trọ Trí Thức, Nguyễn Thị Thu Hồng cho hay, nhà trọ của bà có hơn 60 phòng cho thuê, tháng 10 vừa rồi có hơn 20 công nhân bị cắt giảm biên chế phải nghỉ về và trả một lúc đến 12 phòng.
Vợ chồng của anh Thanh Dương – chị Bích Lan (đã đổi tên) công nhân Công ty TNHH Chế biến thực phẩm QVD, KCN Sa Đéc đang ở trọ nơi đây tâm sự: sau hơn 7 năm làm công nhân chưa có khi nào cảm thấy hụt hẫng và khó khăn như hiện nay. Tuy không phải bị công ty cho nghỉ việc hẳn như số công nhân khác nhưng anh Dương và chị Lan được công ty cho nghỉ tạm hưởng 50%, tương đương với 750 ngàn đồng/người/tháng. Với số tiền trên, anh chị phải sống kham khổ qua ngày. Để có thêm thu nhập, anh Dương làm phụ hồ.
Chị Bích Lan cho biết: “Mấy tháng nay vợ chồng em rất tiết kiệm nhưng vẫn thiếu. Mua gì cũng phải tính toán chi li. Nếu tình trạng này kéo dài chắc phải mượn tiền để sống. Tội nghiệp có chị bạn làm chung mỗi tháng chỉ lãnh 750 ngàn đồng nhưng phải nuôi thêm hai đứa con nhỏ. Không biết khi nào công ty mới kêu vô làm lại”.
Do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, nhiều công ty trên địa bàn tỉnh phải cắt giảm lao động để tồn tại, từ đó nhiều công nhân bị mất việc, rơi vào cảnh khó khăn. Đi dọc các dãy nhà trọ tại KCN trên địa bàn thành phố Cao Lãnh, Cụm công nghiệp Thanh Bình... đâu đâu công nhân cũng đang có nhiều tâm trạng vì thu nhập ít mà Tết Nguyên đán đang đến gần.
Phú Thuận