Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề

Cập nhật ngày: 28/12/2012 12:56:28

Năm 2012, công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả, tổng số học viên tuyển mới trong năm là 20.391 người (đạt 102% so kế hoạch cả năm) gồm trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, dạy nghề cho doanh nghiệp theo địa chỉ. Kết quả trên góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46,2%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 31,5%, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.


Lao động nông thôn thu nhập ổn định từ nghề đan lục bình

Trong năm, Sở LĐTB&XH đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện để công tác dạy nghề đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Đồng Tháp phối hợp Sở LĐTB&XH tư vấn chiêu sinh mở được 23 lớp với 914 học viên, trong đó nguồn kinh phí thuộc Chương trình Khuyến công đào tạo được 584 học viên gồm các nghề may, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp. Sau khóa học, học viên đều có việc làm và thu nhập ổn định.

Theo số liệu thống kê từ các Phòng LĐTB&XH và các cơ sở dạy nghề, sau khóa học, người học nghề có việc làm 75%, riêng học viên học các lớp dạy nghề theo địa chỉ có 100% sau khi được đào tạo, doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay (Các doanh nghiệp: Á Châu, IDI, Vĩnh Hoàn, CADOVIMEX, Vạn Ý, Hùng Cá). Đối với nghề nông nghiệp, sau khi học xong, lao động đều áp dụng được những kiến thức cơ bản vào nghề và nâng cao hiệu quả sản xuất. Tiêu biểu có mô hình nuôi gà ở ấp 3, xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng sau 3 tháng nuôi đạt lợi nhuận từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, có nhiều hộ nuôi trên 1.000 con.

Đối với các nghề phi nông nghiệp, một số nghề có thu nhập tốt, mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng, gồm các nghề: xây dựng, chế biến thủy sản, may dân dụng, may công nghiệp (Cty Khang Thịnh, cơ sở may Minh Tú ở huyện Tân Hồng; Cty may An Long, Cơ sở may Nguyên Huy ở huyện Tam Nông).

Đối với các nghề tiểu thủ công nghiệp, người lao động chủ yếu tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm nghề, tăng thêm thu nhập cho gia đình như: nghề làm bội tre của Hợp tác xã 14/10 ở Long Hưng B, Lấp Vò thu nhập 40.000 ngày/người; nghề tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối cho cơ sở 10 Tròn xã Láng Biển, Tháp Mười. Thu nhập khoảng 50.000 đồng/ngày/người, các nghề khác như: dệt chiếu xuất khẩu, thắt võng, gắn - kết cườm; đan giỏ xách tay - đan ví,... góp phần đáng kể tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.

Trong năm 2013, Sở LĐTB&XH tiếp tục phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49,3%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 34,4%; tuyển mới 20.000 người; trong đó trình độ cao đẳng nghề 900 sinh viên, trung cấp nghề 3.600 học sinh, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 15.500 học viên. Tiếp tục thực hiện nâng cấp Trung tâm Dạy nghề huyện Cao Lãnh và Lấp Vò lên thành Trường Trung cấp Nghề; phát triển mạnh các trường đã được Bộ LĐTB&XH phê duyệt nghề trọng điểm cấp Khu vực và ASEAN (Trường Cao đẳng Nghề, Trường Trung cấp Nghề Hồng Ngự, Tháp Mười); tiếp tục đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề công lập hiện có.

Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả trên cơ sở đánh giá hiện trạng về tình hình việc làm của người lao động và nhu cầu phát triển của từng địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp dạy nghề cho người dân ở 30 xã điểm nông thôn mới; tăng cường dạy nghề theo địa chỉ đáp ứng nhu cầu học nghề của công nhân có nhu cầu vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sử dụng nguồn kinh phí đầu tư tập trung, trọng điểm; không phân bổ dàn trải. Chọn ngành nghề đào tạo chủ lực, đầu tư vào các nghề trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị dạy nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề, khả năng tìm được việc làm và tự tạo việc làm của học viên sau khi hoàn thành khóa học.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn