Công tác quản lý nhà nước về dân số - kế hoạch hóa gia đình

Cập nhật ngày: 16/12/2023 05:29:25

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231216053039DT2-7.mp3

 

ĐTO - Quản lý nhà nước (QLNN) về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS -KHHGĐ) là quá trình tác động có ý thức, có tổ chức của Nhà nước đến các quá trình và các yếu tố dân số (DS) nhằm làm thay đổi trạng thái DS để đạt được mục tiêu đã đề ra. Chủ thể quản lý của Nhà nước về DS - KHHGĐ là Nhà nước với hệ thống các cơ quan của Nhà nước được phân chia thành các cấp và bao gồm cả 3 khu vực: lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó quản lý hành chính (hành pháp) về DS - KHHGĐ là cực kỳ quan trọng.


Tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, góp phần nâng cao chất lượng dân số (Ảnh: Phương Thảo)

Đối tượng QLNN về DS - KHHGĐ là các quá trình và yếu tố DS bao gồm: sinh, tử, di cư, quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng DS. Khách thể của QLNN về DS là các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, trong lĩnh vực DS, Nhà nước chỉ tác động vào nhận thức và hành vi về DS hoặc liên quan đến DS. Mục tiêu QLNN về DS - KHHGĐ xét một cách chung nhất là trạng thái thay đổi về các yếu tố quy mô, cơ cấu, phân bổ DS, thực hiện KHHGĐ hoặc các quá trình sinh, chết, di dân... mà Nhà nước mong muốn đạt được cho phù hợp và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị và trật tự xã hội.

QLNN về DS - KHHGĐ cũng như các lĩnh vực khác được thông qua việc ban hành và đảm bảo thực thi các đường lối, chính sách và pháp luật. Đồng thời, trong những điều kiện cụ thể, Nhà nước đảm nhiệm việc tổ chức, cung cấp các dịch vụ về DS như là các dịch vụ công, để quá trình thay đổi nhận thức và hành vi của công dân, tổ chức diễn ra đúng hướng và nhanh chóng hơn. Việc thực hiện QLNN về DS - KHHGĐ được diễn ra trong các điều kiện, bối cảnh cụ thể nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu về công tác DS - KHHGĐ, đồng thời hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguyên tắc chung nhất để lựa chọn và sử dụng các công cụ quản lý là dễ sử dụng, đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả cao. Trong lĩnh vực DS - KHHGĐ, một số vấn đề có độ phức tạp cao, nên trong thực tế cần sử dụng rất linh hoạt trong sự phối hợp, bổ sung cho nhau các công cụ quản lý. Chính sách là một trong những công cụ chủ yếu mà Nhà nước sử dụng trong QLNN nói chung và quản lý về DS -KHHGĐ nói riêng. Chính sách DS thường được hiểu là “Những chủ trương, biện pháp, hướng dẫn, quy định của Đảng và Nhà nước; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm thay đổi xu hướng hiện tại của DS theo mục đích, mục tiêu đã đề ra”.

Kế hoạch cũng là công cụ quan trọng của Nhà nước trong quản lý về DS - KHHGĐ. Kế hoạch với tính cách qui định các mục tiêu cơ bản về DS - KHHGĐ phải đạt được trong một thời kỳ nhất định, qui định hàng loại các chỉ tiêu về tốc độ, tỷ lệ, hiệu quả, các bước đi cơ bản trong hoạt động quản lý và điều hành của các cơ quan Nhà nước; là căn cứ cho việc huy động và bố trí các nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện các mục tiêu, đồng thời cũng là căn cứ cho các hoạt động giám sát, đánh giá tiến độ, kết quả, hiệu quả trong quản lý về DS - KHHGĐ. Pháp lệnh DS do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, ban hành năm 2003, quy định nội dung QLNN về DS nhằm đảm bảo cho việc thực hiện có hiệu quả công tác DS, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; tăng cường thống nhất QLNN về DS. Các cơ quan QLNN về DS ở các cấp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung QLNN về DS.

Hiện nay, ngoài Hiến pháp năm 2013 (Khoản 2, Điều 58), Pháp lệnh DS là văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước ta về DS - KHHGĐ. Pháp lệnh DS và các văn bản hướng dẫn pháp lệnh, chỉ mới tập trung vào việc giải quyết vấn đề quy mô DS. Để giải quyết đồng bộ vấn đề DS cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng DS, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực DS - KHHGĐ và các lĩnh vực có liên quan.

Lê Hùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn