Cụm, tuyến dân cư vùng biên còn thiếu nước sạch
Cập nhật ngày: 16/01/2013 13:25:48
Nước sạch là nhu cầu bức thiết tại các cụm, tuyến dân cư vùng biên, tuy nhiên đến nay nhiều cụm, tuyến dân cư ở biên giới huyện Tân Hồng chưa có nước sạch để sử dụng.
Người dân mong mỏi có trạm cấp nước sạch để đảm bảo
nhu cầu sinh hoạt gia đình
Theo ghi nhận, một số cụm, tuyến dân cư trên địa bàn huyện Tân Hồng, người dân đã vào sinh sống 2 năm nhưng vẫn chưa có nguồn nước sạch. Anh Nguyễn Thành Kiên (ở cụm dân cư Cả Xiêm, xã Bình Phú) chia sẻ: "Hàng ngày, việc sinh hoạt của gia đình chủ yếu bằng nước sông. Trong mùa lũ, lượng nước tại các sông rạch về nhiều có thể sử dụng tạm ổn, nhưng vào mùa khô nước sông cạn kiệt, nhiều hộ chăn nuôi thả vịt xuống lòng kênh, nước rất dơ nên bà con ngại sử dụng. Ngoài ra, do lượng thuốc trừ sâu được phun xịt tại ruộng cũng phát tán theo con nước, nên khi sử dụng, tôi rất lo cho sức khỏe của gia đình".
Nhiều hộ dân tại các cụm, tuyến dân cư chưa có nước đã tìm cách đào giếng. Chị Nguyễn Thị Phương Linh - cụm dân cư Cả Xiêm nói: "Không gần bờ sông nên bất tiện, gia đình phải thuê người đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước giếng không đạt chất lượng. Nếu có nước sạch sinh hoạt, sức khỏe của người dân sẽ đảm bảo hơn".
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hồng, toàn huyện có 41 trạm cấp nước sạch tập trung (15 trạm sử dụng nước mặt và 26 trạm sử dụng nước ngầm). Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 33 trạm cấp nước hoạt động bình thường, 8 trạm chưa đưa vào khai thác sử dụng do chưa có tổ chức, cá nhân vào quản lý khai thác, đồng thời hệ thống công nghệ xử lý nước đã xuống cấp. Công suất thiết kế của các trạm phục vụ cho khoảng trên 13.500 hộ nhưng hiện chỉ cung ứng đạt 32%.
Riêng 14 cụm, tuyến dân được xây dựng theo Quyết định 569 của UBND tỉnh thì chỉ có vài cụm được bố trí trạm cấp nước sạch. Theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng, nhu cầu nước sạch tại các cụm, tuyến dân cư vùng biên là rất lớn, để đáp ứng, phải cần nguồn vốn dồi dào. Theo quyết định của UBND tỉnh, xây dựng nước sạch vốn là do huyện đối ứng, nhưng tài chính của huyện lại có giới hạn.
Ông Nguyễn Chi Lăng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng cho biết: "Hiện nay, nguồn vốn của địa phương thiếu nên việc bố trí vốn xây dựng trạm nước sạch tại cụm, tuyến dân cư rất khó khăn. Trong khi đó, kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân để vào thực hiện khai thác thì càng nhiêu khê vì vốn đầu tư khá nhiều nhưng số hộ dân sử dụng lại quá ít, đơn vị không có lãi nên không thể thu hút doanh nghiệp đầu tư. Để đảm bảo cho người dân có nước sạch sử dụng thì tỉnh cần đầu tư, lắp đặt một vài trạm nước tập trung có công suất lớn để có thể nối đường ống đến tất cả các khu dân cư, không nên làm nhỏ lẻ, gây lãng phí và thiếu sự đồng bộ".
Trước nhu cầu đó, ông Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường cho hay: "Đầu tư riêng từng trạm cấp nước tại cụm, tuyến dân cư cần nguồn vốn khá lớn nhưng số hộ dân quá ít, tiền thu không đủ chi phí quản lý, bảo trì, vận hành, hiệu quả sử dụng không cao. Đối với việc đầu tư hệ thống cung ứng nước sạch tập trung thì rất khó thực hiện, vì địa hình của huyện không theo đường thẳng, khó khăn trong việc nối ống. Đồng thời, do cấu tạo địa chất tại huyện rất khó để khoan giếng nên chúng tôi tính đến phương án sử dụng tấm lọc nước bằng năng lượng mặt trời, thiết lập tại các khu cụm, tuyến dân cư nhằm giảm giá thành đầu tư, chất lượng cũng rất đảm bảo".
Theo kế hoạch, trong năm 2013 Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường sẽ đầu tư xây dựng 5 trạm cấp nước tại các cụm, tuyến dân cư biên giới gồm: trạm cấp nước cụm dân cư Chẳng Xê Đá, Cả Chanh, Chốt Bình Phú, Vọng Nguyệt và tuyến dân cư Dinh Bà. Riêng các cụm, tuyến dân cư còn lại, Trung tâm sẽ lập dự án trình UBND tỉnh để thực hiện trong thời gian tới nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân. Đối với các cụm, tuyến dân cư nằm ngoài Quyết định 569 của UBND tỉnh, Trung tâm cũng tiến hành rà soát để kịp thời bố trí trạm cung cấp nguồn nước sạch đến bà con vùng biên...
KD