Đảm bảo triển khai, thực hiện nhanh các chính sách liên quan đến người lao động, người sử dụng lao động

Cập nhật ngày: 28/07/2021 10:38:37

ĐTO - Đến ngày 26/7, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã đảm bảo tiến độ thực hiện các nội dung liên quan đến Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (SDLĐ) trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các hoạt động triển khai, thực hiện theo hướng dẫn, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đúng đối tượng, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Để hiểu thêm về sự cố gắng của toàn ngành, phóng viên báo Đồng Tháp đã có buổi trò chuyện với ông Phạm Việt Công - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp về vấn đề này.


Ông Phạm Việt Công - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp. 
Ảnh: CTV

Phóng viên (P.V): Thưa ông, thời gian qua ngay khi có văn bản chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu UBND tỉnh và triển khai nhiệm vụ trong toàn ngành như thế nào để chính sách hỗ trợ nêu trên đến với các đối tượng sớm nhất?

Ông Phạm Việt Công (P.V.C.): Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Sở Tài chính và có đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo đó Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, triển khai đến cán bộ toàn ngành phối hợp các đơn vị liên quan ở các cấp triển khai đến các doanh nghiệp, đơn vị và các đối tượng thụ hưởng để kịp thời tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, chi trả tiền hỗ trợ cho đối tượng.

P.V: Được biết ngoài các nhóm đối tượng theo quy định, căn cứ vào tình hình thực tế tại các địa phương, Sở LĐ-TB&XH có đề nghị hỗ trợ thêm 1 số đối tượng đang hưởng các chính sách khác nhưng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Ông P.V.C.: Căn cứ tại điểm 12 mục II định Nghị quyết 68/NQ-CP quy định: “Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương”.

Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, cụ thể: Đối tượng được hỗ trợ là NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), làm việc trong nhóm ngành, nghề, lĩnh vực sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa (tại các chợ, bến tàu, bến xe, bến cảng, nhà kho). Lái xe mô tô 2 bánh chở khách. Người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú (phục vụ bàn ăn uống, đầu bếp, phục vụ bếp, lễ tân, tạp vụ); chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu). Những người thuộc đối tượng trên sẽ được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau: NLĐ có thu nhập chính từ ngành, nghề thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải tạm dừng công việc, không có việc làm, giảm thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc UBND huyện, thành phố. Đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo quy định của pháp luật. Mức hỗ trợ, phương thức chi hỗ trợ: mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/lần. Phương thức thực hiện: hỗ trợ 1 lần cho NLĐ. Trường hợp NLĐ quy định tại khoản 1 Điều này nếu thuộc diện được hỗ trợ nhiều chính sách, thì chỉ được hưởng một chính sách cao nhất.

P.V: Thưa ông, cùng với ngành LĐ-TB&XH các công ty, doanh nghiệp đã đồng hành như thế nào trong việc triển khai, thực hiện các hoạt động hỗ trợ người dân trong thời điểm hiện nay?

Ông P.V.C.: Qua theo dõi, sau khi tỉnh triển khai các văn bản về chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, thì nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã chủ động liên hệ phòng chuyên môn của Sở và các Phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố trao đổi để được hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục, hồ sơ hỗ trợ cho NLĐ. Tuy nhiên, do hiện nay toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, NLĐ nghỉ việc, nên việc thực hiện thủ tục, hồ sơ chưa thể hoàn tất trong thời điểm này. Ngoài ra, các huyện, thành phố tập trung huy động cán bộ, công chức cấp xã tham gia hỗ trợ gạo cho hộ nghèo, cận nghèo trong toàn tỉnh để họ an tâm hơn trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

P.V: Việc chủ động tham mưu, triển khai sớm các chính sách liên quan đến Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Sở LĐ-TB&XH đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn. Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn chi tiết về thủ tục hồ sơ, quy trình thực hiện và thời gian phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc. Đồng thời thông tin về đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh liên quan. Như vậy, đối với các đơn vị trực thuộc, cá nhân có biểu hiện chậm trễ, thiếu kịp thời thì hướng xử lý sẽ như thế nào?

Ông P.V.C: Đến thời điểm hiên tại thì chưa có trường hợp đơn vị, cá nhân ngành LĐ-TB&XH có biểu hiện chậm trễ, thiếu kịp thời trong triển khai chính sách hỗ trợ. Trong tình hình dịch bệnh diễn ra rất phức tạp trên địa bàn tỉnh và tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng các cán bộ toàn ngành LĐ-TB&XH đều chịu khó, tích cực triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp, linh hoạt và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

P.V: Xin cám ơn ông!

C.P. (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn