Tháp Mười

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 22/05/2013 06:09:20

Qua 3 năm (từ năm 2010 đến cuối năm 2012) thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Tháp Mười là địa phương được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ghi nhận có bước phát triển mạnh trong công tác đào tạo nghề.

Nghề đan ghế nhựa tạo nhu nhập ổn định cho lao động nông thôn

Thực hiện Đề án, huyện Tháp Mười đã chọn xã Thanh Mỹ làm điểm để triển khai bởi lao động nhàn rỗi tại xã, (đa số người dân sống bằng nghề ruộng, vào thời điểm không làm mùa người dân có nhiều thời gian rảnh rỗi)... Một trong số các nghề nông thôn được phát triển mạnh tại xã Thanh Mỹ là nghề đan lục bình, đan ghế, chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài xã Thanh Mỹ, tại các xã còn lại như: Mỹ Hòa, Mỹ Đông, Láng Biển, Tân Kiều, Mỹ An... cũng phát triển các nghề làm nhang, làm bánh tráng rế, bó chổi, nuôi cá, nuôi ếch...

Để duy trì phát triển các nghề nông thôn, thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc của Đề án theo định kỳ 1 năm 2 lần kiểm tra công tác nghề tại các xã, thị trấn. Ngoài ra, UBND huyện còn yêu cầu các hội đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên tham gia các lớp nghề do địa phương mở.

Với những nỗ lực trên, trong 3 năm thực hiện Đề án (2010 - 2012), huyện Tháp Mười mở 66 lớp nghề nông thôn, có 1.679 học viên theo học các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như: may dân dụng, may công nghiệp, bảo trì hệ thống máy may, hàn điện, công nhân xây dựng, tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối, đan ghế nhựa, trồng rau theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi heo, nuôi ếch theo hướng an toàn sinh học...

Đa số học viên sau đào tạo tìm được việc làm trong và ngoài huyện hoặc nhận gia công sản phẩm với mức thu nhập từ 30.000 - 80.000 đồng/người/ngày; riêng những người học nghề vào tìm việc tại các công ty có thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai Đề án tại địa phương, ông Nguyễn Vĩnh Nha - Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án đào tạo nghề huyện Tháp Mười cho biết, sắp tới huyện sẽ tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về công tác đào tạo nghề, các đơn vị cơ sở phải nắm được nhu cầu của lao động về học nghề, việc làm để có các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, xác định rõ mục tiêu dạy nghề phải gắn với việc làm, theo nhu cầu thị trường, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho người học nghề. Tiếp tục nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, mở rộng quy mô tổ hợp tác lên hợp tác xã, làng nghề tạo việc làm cho người lao động.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn