Đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế

Cập nhật ngày: 08/08/2012 09:10:59

Để đào tạo nghề gắn với nhu cầu người dân nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã thực hiện việc khảo sát để mở lớp theo nhu cầu thực tế địa phương. Theo đó, Sở chỉ đạo các Phòng LĐTB&XH phối hợp với các hội đoàn thể cấp huyện, cấp xã khảo sát nhu cầu đăng ký học nghề thực tế của người dân.


Mô hình đan ghế nhựa tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn

Đến nay, 12/12 huyện, thị, thành phố xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn qua việc chọn các mô hình đào tạo nghề phù hợp. Đáng chú ý như mô hình thí điểm trồng cây ớt tại xã Tân Thạnh và mô hình đan ghế nhựa tại xã Tân Phú (huyện Thanh Bình). Sau thời gian thực hiện, mô hình trồng ớt mang lại hiệu quả tốt, chi phí giảm, năng suất tăng (từ 1,5 tấn/ha tăng 2 đến 2,5 tấn/ha), bình quân thu nhập đạt từ 19 đến 20 triệu đồng/ha; mô hình đan ghế nhựa tận dụng thời gian nhàn rỗi của lao động nông thôn, hiện đang được địa phương nhân rộng và thu hút nhiều lao động tham gia.

Ngoài 2 mô hình thí điểm ở huyện Thanh Bình, tại huyện Tam Nông, Sở LĐTB&XH phát triển thêm mô hình nuôi ếch theo hướng an toàn sinh học, có 20 hộ tham gia. Sau thời gian hướng dẫn quy trình nuôi với lượng giống và thời gian nuôi như trước nhưng người dân thu hoạch sản lượng tăng so với trước từ 20 - 30kg, trừ các khoản chi phí thu được từ 1 đến 1,2 triệu đồng/1.000 con giống. Đối với mô hình may công nghiệp, huyện Tam Nông đã kết hợp với Công ty May An Long (xã An Long), Công ty May Phúc An (tại thị trấn Tràm Chim). Sau khóa học 100% học viên được nhận vào làm việc cho Công ty, mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Ở một số địa phương, mô hình thí điểm nghề, các tổ nghề cũng được duy trì, phát triển. Toàn tỉnh đã xây dựng được 352 tổ ngành nghề với trên 8.370 thành viên, 187 tổ hợp tác liên kết sản xuất kinh doanh với trên 3.950 thành viên. Từ những làng nghề tiểu thủ công truyền thống Tổ liên kết Hợp tác sản xuất Tân Bình (huyện Châu Thành) còn tổ chức truyền nghề đan bội tre cho các nơi có nhu cầu; riêng huyện Tam Nông, Cao Lãnh xây dựng được 8 Câu lạc bộ tiểu thủ công nghiệp với trên 470 thành viên.

Qua khảo sát từ các đơn vị trực thuộc Sở, Phòng LĐTB&XH các địa phương, tỷ lệ người dân tiếp cận với thông tin đào tạo nghề đạt từ 80% trở lên. Sở đã ký kế hoạch liên tịch với Đoàn TNCS HCM Đồng Tháp, Hội Nông dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho người dân. Nội dung tuyên truyền lồng ghép vào các buổi họp, sinh hoạt tư vấn, vận động đoàn viên, hội viên tham gia học nghề; Sở LĐTB&XH in và phát tờ rơi để tuyên truyền ngành, nghề, địa điểm cơ sở dạy nghề... Các cấp hội tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho lao động nông thôn, có 36.430 lượt hội viên, nông dân tham gia, Sở LĐTB&XH kết hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức 5 sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề và việc làm cho 6.835 người; giải quyết việc làm cho 1.924 lao động, nâng số lượng lao động nông thôn được tư vấn học nghề và việc làm trên 30.000 người. Từ những công tác định hướng trên, 6 tháng đầu năm 2012, số lao động nông thôn sau khi học nghề đã chuyển sang làm các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp là 442 người.

Để hoàn thành chỉ tiêu công tác đào tạo nghề, những tháng cuối năm, Sở LĐTB&XH tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm đến với người lao động; mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, chú trọng 30 xã điểm xây dựng xã nông thôn mới và đào tạo theo đơn đặt hàng của các các doanh nghiệp; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án đào tạo nghề nông thôn tại các địa phương.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn