Khó khăn trong việc di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở

Cập nhật ngày: 06/08/2012 11:40:31

Những tháng đầu năm 2012, tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra ở 17 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị, thành phố; chiều dài sạt lở 16,79km. Toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.400 hộ dân có nhà cách mép sông từ 0 đến 20m cần tiếp tục di dời. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương không còn đủ nền trên các cụm, tuyến dân cư để bố trí cho các hộ dân vào ở ổn định, trong khi đó các gia đình sống trong khu vực sạt lở đang thấp thỏm nỗi lo bị mất đất, mất nhà.


Sạt lở đất đe dọa nhiều căn nhà của người dân
xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự

Qua tìm hiểu tại các địa phương có nguy cơ sạt lở cao như: xã Long Thuận, Long Khánh A, Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự); phường An Lạc (thị xã Hồng Ngự); xã Tân Bình, Tân Quới, An Phong (huyện Thanh Bình); xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh); xã An Hiệp (huyện Châu Thành)... nhiều hộ dân trong vùng sạt lở vẫn còn sinh sống bình thường bởi họ không có tiền di dời nhà, một số hộ thì không biết di dời đi đâu vì không còn đất.

Khó khăn nhất là trường hợp của anh Đặng Văn Lần - ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự. Nhà anh đã bị sạt lở từ năm ngoái, không còn chổ ở, vợ chồng anh và hai con nhỏ được người thân cho mượn đất dựng căn chòi ở tạm nhưng hiện nay sạt lở cũng đã “đuổi” đến nơi, anh vẫn chưa có tiền để di dời nhà. Anh Lần cho biết: “Vợ chồng tôi quanh năm làm mướn kiếm sống, nuôi hai con nhỏ, kinh tế gia đình đã khó khăn nay gặp cảnh sạt lở càng túng quẩn hơn. Hiện tại, dù biết sống nơi đây không an toàn nhưng cũng không biết làm cách nào có tiền để di dời nhà”.

Tương tự như gia đình anh Lần, anh Bùi Trung Hải ngụ tổ 19, ấp Long Thạnh cũng thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất. Mỗi ngày vợ chồng anh đi mua bắp về nấu bán, thu nhập không ổn định. Anh Hải bộc bạch: “Tôi được địa phương bố trí nhà ở tuyến dân cư nhưng hoàn cảnh gia đình còn quá khó khăn, nếu di dời nhà phải tốn rất nhiều tiền, làm nghề mua bán nhỏ lẻ, thu nhập mỗi ngày chỉ được khoảng 100.000 đồng thì lấy đâu ra tiền cất nhà”.

Cùng chung tâm trạng như anh Lần, anh Hải, nhiều hộ dân sống trong khu vực điểm nóng sạt lở cũng thấp thỏm lo âu. Dù biết sống ở đây không an toàn, ngủ không ngon giấc nhưng họ cũng không biết phải làm sao, chỉ chờ chính quyền hỗ trợ. Trong khi đó, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong công tác di dời dân. Đa phần các hộ dân đều là hộ khó khăn. Vì vậy, nếu di dời đến nơi ở mới thì cũng chỉ được hỗ trợ là chính, nên có nhiều gia đình đã được bố trí nền rồi nhưng vẫn không có khả năng cất nhà mới.


Căn nhà tạm bợ của vợ chồng anh Đặng Văn Lần,
ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Thuận

Ông Nguyễn Văn Phết - Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết, chính quyền địa phương đang vận động các hộ dân xung quanh khẩn trương di dời, tạm tìm chỗ mới và đứng ra bảo lãnh để các hộ được mua chịu vật liệu xây dựng để làm nhà. Thế nhưng, hiện còn gần 400 hộ dân có nhà cách mép sông từ 0 đến 50m vẫn chưa có chỗ bố trí, nên người dân vẫn bám trụ trên khu đất đầy nguy hiểm này. Địa phương cũng không còn quỹ đất di dời dân, với số lượng bị ảnh hưởng là gần 400 hộ, cần phải có sự hỗ trợ của huyện và tỉnh để xây dựng thêm tuyến dân cư mới mới.

Theo Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, để giải quyết cho hơn 1.400 hộ dân sinh sống trong khu vực được cảnh báo có nguy cơ sạt lở thì cần thiết phải có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân.

Theo dự báo của ngành chức năng, trong thời gian tới tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều phức tạp và còn nhiều điểm nóng về sạt lở ở khắp các đoạn sông. Tính mạng của những người dân vẫn bị đe dọa từng ngày, từng giờ. Hiện nay, các địa phương đang rà soát lại quỹ đất để sớm kiến nghị hỗ trợ xây dựng cụm tuyến dân cư, giải quyết triệt để các hộ dân bị sạt lở chưa có nơi di dời. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần chủ động di dời nhà ra khỏi khu vực sạt lở để bảo đảm an toàn tính mạng.

Lệ Chi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn