Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả

Cập nhật ngày: 17/05/2013 05:10:36

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Sau thời gian thực hiện Đề án (từ năm 2009 đến nay), cơ sở vật chất, mạng lưới đào tạo nghề, số người được đào tạo nghề tăng lên, lao động nông thôn yên tâm sống với nghề sau đào tạo.


Cơ sở vật chất các trường nghề được đầu tư sau khi thực hiện Đề án 1956

Về phía tỉnh, UBND tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã hoàn thành các kế hoạch, chương trình theo đúng dự kiến. Phối hợp cùng các hội đoàn thể, cơ quan truyền thông tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm đối với lao động nông thôn, mạnh dạn thí điểm các mô hình dạy nghề, phát triển các chương trình, giáo trình, học liệu, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ dạy nghề.

Hiện tại, 12/12 huyện, thị, thành phố đều có Ban chỉ đạo đề án thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khảo sát, tư vấn học nghề gắn với việc làm, thu nhập cho người lao động. Cấp xã thành lập các đoàn khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, từ đó mở các lớp nghề theo nhu cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, toàn tỉnh đã có 18 phiên, sàn giao dịch việc làm được tổ chức, với 374 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tư vấn, qua đó đã hỗ trợ cho 71.688 lao động tìm được việc làm.

Các hội đoàn thể đã tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với đề án. Từ năm 2010 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã tuyên truyền, vận động 223.340 lượt hội viên tham gia học nghề. Đề án cũng đã tạo điều kiện cho 51.541 phụ nữ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tìm được việc làm trong, ngoài tỉnh. Phụ nữ các địa phương còn tham gia các buổi hội thảo “Giới thiệu nữ xã viên tiềm năng tham gia vào hợp tác xã”, “Các giải pháp nâng chất lượng phối hợp hoạt động dạy nghề cho phụ nữ nông thôn” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Sở LĐTB&XH tổ chức.

Hai đơn vị này còn tạo điều kiện cho Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tư vấn nghề, tư vấn việc làm cho phụ nữ tại huyện Thanh Bình, Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh; vận động giới thiệu 1.458 lao động nữ tham gia sàn giao dịch việc làm...

Từ nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và nguồn vốn do Trung ương Đoàn hỗ trợ cho thanh niên sản xuất, kinh doanh, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập cho thanh niên như: mô hình máy gặt đập liên hợp, máy phun xịt, tổ góp vốn tiết kiệm, tổ trang trí nội thất, tổ hùn vốn cất nhà, tổ mua máy tính...

Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 62.870 người trúng tuyển vào các lớp đào tạo nghề từ cao đẳng đến sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, trong đó có 12.743 lao động nông thôn được đào tạo nghề, tự tạo việc làm

Theo Sở LĐTB&XH, sau thời gian thực hiện Đề án, tỷ lệ lao động học nghề gắn với việc làm tại các địa phương có chuyển biến tích cực, các mô hình thí điểm nghề đang dần rõ nét, tiếp tục mở rộng thí điểm những mô hình mới từng bước phát huy hiệu quả. Các đơn vị trường, trung tâm nghề được đầu tư trang thiết bị phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giảng dạy, các loại hình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu xã hội.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn như: mức hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng trong đề án vẫn còn thấp, các hộ cận nghèo không được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại nên gây khó khăn cho người học. Học viên tốt nghiệp sơ cấp nghề khi làm trong các doanh nghiệp được xếp lương, còn làm việc tại cơ quan hành chính, sự nghiệp thì không được xếp lương; do đó làm hạn chế rất lớn đến công tác tư vấn, tuyển sinh học nghề.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn