Đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh giai đoạn 2011-2015

Cập nhật ngày: 18/06/2012 03:58:35

Qua số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, số người khuyết tật trong toàn tỉnh là 17.190 người, trong đó nhiễm chất độc da cam là 263 người, dị tật bẩm sinh trẻ em là 2.638 người.

Năm 2009-2010, Bệnh viện Từ Dũ phân bổ 5.000 mẫu xét nghiệm lấy máu gót chân để sàng lọc sơ sinh, kết quả có 40 mẫu bị thiếu men G6PD và suy giáp bẩm sinh. Như vậy, với số trẻ được sinh ra trung bình của tỉnh mỗi năm 25.000 trẻ thì ước tính có 500 trẻ bị tật, bệnh ở thai nhi nếu không được phát hiện, can thiệp sẽ tích lũy qua các năm làm số người dị tật ngày càng tăng. Vì vậy, việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Năm 2011, Tổng cục DS-KHHGĐ phân bổ chỉ tiêu sàng lọc trước sinh-sơ sinh cho tỉnh, có 5 đơn vị được phân bổ gồm: huyện Tháp Mười, thị xã SaĐéc, huyện Hồng Ngự, thành phố Cao Lãnh, thị xã Hồng Ngự. Do năm đầu tiên thực hiện Đề án, nên Chi cục Dân số tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến các lợi ích của việc sàng lọc ra cộng đồng thống nhất chọn 100% xã, phường của 5 huyện này để triển khai hoạt động. Các nội dung được triển khai như: khảo sát nhu cầu và trình độ hiểu biết của người dân về sàng lọc trước sinh, sơ sinh; hiểu biết của phụ nữ tuổi sinh đẻ về chăm sóc thai sản, chăm sóc trẻ sau sinh...

Các mục tiêu được thực hiện gồm: tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng; tư vấn trực tiếp cho phụ nữ mang thai, đối tượng có liên quan tham gia sàng lọc trước sinh, sơ sinh tại xã vào các ngày khám thai ở cơ sở y tế; lồng ghép nội dung sàng lọc trước sinh, sơ sinh vào các hoạt động văn hóa - xã hội của địa phương, tổ chức nói chuyện chuyên đề cho người dân tại các địa bàn triển khai đề án; tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn, quản lý đối tượng sàng lọc trước sinh, sơ sinh tuyến huyện, xã, thực hiện truyền thông tuyến xã...

Giai đoạn 2012, Đề án tiếp tục duy trì 5 huyện, đồng thời mở rộng thêm huyện Tân Hồng, nâng tổng số huyện được thực hiện sàng lọc là 6 huyện với 64 xã. Để thuận lợi trong quá trình triển khai Đề án, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm về kỹ thuật, trả kết quả, theo dõi giám sát hoạt động tuyến dưới. Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện sẽ thực hiện siêu âm hình thái giai đoạn của thai kỳ, lấy mẫu gót chân trẻ sơ sinh để gửi lên tuyến trên xét nghiệm. Trường hợp siêu âm hình thái nếu thấy chắc chắn dị dạng không thể tiếp tục mang thai như thai vô sọ, thoát vị não, não úng thủy... có thể thành lập Hội đồng chuyên môn để chấm dứt thai kỳ. Các Trung tâm DS-KHHGĐ, Khoa CSSKSS của Trung tâm y tế, Trạm y tế thực hiện truyền thông hướng dẫn cho đối tượng về lợi ích của công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh để các đối tượng yên tâm thực hiện dịch vụ theo đúng chuyên môn của Bộ Y tế.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn