Để người dân yên tâm sử dụng gia cầm
Cập nhật ngày: 06/05/2013 04:42:07
Dịch cúm gia cầm diễn ra trong thời gian qua đã làm hoang mang người bán và người sử dụng các sản phẩm gia cầm. Cẩn trọng, nhiều người đã từ chối khi được mời mua các sản phẩm từ gia cầm, làm cho người bán các sản phẩm gia cầm lâm vào cảnh ế ẩm.
Nhân viên thú y kiểm soát gia cầm sống tại chợ thành phố Cao Lãnh
Khu vực bán gia cầm sống tại chợ thành phố Cao Lãnh trước đây nhộn nhịp bao nhiêu thì nay vắng vẻ bấy nhiêu. Khi được hỏi về việc buôn bán thời gian gần đây, dì Hai - chủ một sạp bán gia cầm bức xúc nói: “Ế lắm, gà vịt ở đây có kiểm dịch giấy tờ hẳn hoi mà không ai mua hết. Mà đâu chỉ có tui, mấy người bán ở đây cũng ế như vậy”. Hơn 1 tiếng đồng hồ quan sát, không thấy người khách nào ghé vào mua. Dì Hai nói: “Chợ ế thì chịu chứ biết sao, gà vịt không có người mua nên ngày nào tôi cũng đem theo túi lúa cho chúng ăn đỡ, đợi chiều mang về...”.
Người bán gà, vịt sống ế ẩm, kéo theo những người làm gà vịt thuê cũng không có việc làm. 8 giờ sáng, trước cổng vào chợ gia cầm sống có đến 6,7 chị phụ nữ ngồi tán chuyện. Hỏi chuyện, mấy chị nói: “Có việc gì mà làm, làm có 2 con vịt, có chứng nhận đàng hoàng, vậy mà dời chỗ 4,5 lần không có ai mua”.
Để kiểm tra các sản phẩm gia cầm, mỗi ngày từ 4 giờ 30 phút sáng, nhân viên thú y tại các phường, xã lại bắt đầu công việc. Chị Đoàn Thị Yến Nhi - cán bộ thú ý phường 3, thành phố Cao Lãnh cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi đều có mặt tại chợ, kiểm tra các hộ kinh doanh sản phẩm gia cầm. Từ khi có thông tin về dịch cúm gia cầm đến nay, chợ ế ẩm lắm, trước đây có trên dưới 22 sạp bán thì giờ đã giảm khoảng phân nửa, trước còn có mấy hộ mang gà, vịt ở quê ra bán giờ không còn nữa. Gà, vịt bán tại đây đều có giấy chứng nhận tiêm phòng, được cột dây đã qua kiểm dịch, nhưng người tiêu dùng vẫn không mua...”.
Người dân sống bằng nghề bán gà vịt sống, vịt gà làm sẵn rơi vào cảnh ế, trứng gia cầm, điểm bán cháo gà, cháo vịt cũng ít người lui tới. Dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua là thời điểm được người bán chờ đợi, nhưng rồi họ lại chịu cảnh ế ẩm do khách hàng chuyển sang mua cá, thịt trâu, bò để dùng.
Để tạo sự yên tâm cho người dân, Chi cục Thú y tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm tươi sống, sơ chế có nguồn gốc động vật. Hiện tại, toàn tỉnh có chợ thị xã Hồng Ngự, chợ thành phố Cao Lãnh thuộc Dự án VAHIP tỉnh Đồng Tháp có điểm mua bán gia cầm sống có kiểm soát. Ngoài ra còn có Dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm tập trung của Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ tại xã An Bình, huyện Cao Lãnh. Ngoài các điểm giết mổ gia cầm tập trung nêu trên, tại các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Tam Nông, thị xã Sa Đéc còn có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Trong toàn tỉnh, các Trạm thú y tại các địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm dịch các điểm gia cầm sống tại các chợ. Đoàn cũng đã kiểm tra 97 cơ sở giết mổ, có 9 cơ sở bị xử lý với hình thức cảnh cáo, kiểm tra 80kg thịt gia cầm, tiêu hủy 28kg thịt gia cầm.
Thạc sỹ Võ Trọng Phước - Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Thời gian qua, ngành thú y đã thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo cung cấp an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện tại một số điểm chợ nông thôn vẫn còn tình trạng người dân nuôi, bán sản phẩm gia cầm nhỏ lẻ. Do vậy để đảm bảo an toàn cho bản thân, người dân cần quan sát kỹ khi chọn mua gia cầm, nên mua gia cầm có nguồn gốc đã qua tiêm phòng, đến mua ở nơi bán hàng có sự quản lý của cơ quan thú y. Người chăn nuôi không nên thả rông gia cầm, không mua, bán gia cầm bị bệnh, không vứt xác gia cầm bừa bãi, không giấu dịch, không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc...”.
C.Phương