Vẫn còn nhiều trẻ em chết đuối giữa mùa khô

Cập nhật ngày: 03/05/2013 05:44:37

Dù đang là mùa khô nhưng tình hình trẻ em chết đuối ở tỉnh Đồng Tháp vẫn xảy ra nhiều. Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 11 trường hợp trẻ em chết đuối, tăng 4 trẻ so với cùng kỳ.

Qua hơn 2 tháng sau cái chết của cháu ngoại là bé Nguyễn Thảo Ngân (SN 2011) nhưng lòng bà Nguyễn Thị Hừng ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh vẫn chưa hết đau xót. Bà Hừng kể: “Ba mẹ bé Ngân ly dị nhau. Mẹ nó đi làm ở thành phố nên từ nhỏ Ngân được vợ chồng tôi nuôi dưỡng. Nó lanh và dễ thương lắm. Trưa mùng 3 Tết, vợ chồng tôi coi chừng Ngân nhưng do lu bu công việc nên mới dẫn đến cớ sự...”. Trong lúc gia đình bà Hừng quên để mắt đến cháu ngoại, bé Ngân bị té xuống dòng kênh phía trước nhà và chết lúc nào không hay.


Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng

Ông Võ Văn Giúp - chồng bà Hừng than trách: “Từ khi cháu ngoại chết đến giờ tôi không làm gì nỗi. Nhớ nó lắm. Mùa nước, trẻ nhỏ chết vì đuối nước đã đành đằng này lại chết vào mùa khô. Đau quá...”.

Trông coi trẻ chưa cẩn thận, để trẻ tắm sông không người trông coi là nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp trẻ bị đuối nước đã xảy ra. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương bình và Xã hội Đồng Tháp, các trẻ chết đuối có độ tuổi từ 2-12, trong đó chiếm hơn 80% là trẻ ở độ tuổi từ 2-4. Các địa phương có số trường hợp trẻ bị chết đuối cao của tỉnh là huyện Cao Lãnh (xảy ra 3 trường hợp) và thị xã Sa Đéc (2 trường hợp); các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Tháp Mười, Lấp Vò và thành phố Cao Lãnh (mỗi địa phương xảy ra 1 trường hợp). Cũng như trường hợp của bé Thảo Ngân, tất cả những trường hợp trẻ chết đuối còn lại đều để lại nỗi đau dai dẳng cho gia đình và người thân.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Tấn Lực, khóm 2, phường 4, thị xã Sa Đéc có bé Nguyễn Ngọc Yến bị đuối nước do tắm sông vào ngày 8/2/2013. Ông Nguyễn Tấn Lực nhớ lại: “Trưa hôm đó, Yến xin tôi đi lại nhà bạn chơi. Ai dè nó ra mé sông Tiền tắm với mấy đứa nhỏ trong xóm. Yến cũng biết lội nhưng nếu biết nó đi tắm ở sông Tiền tôi không cho đâu vì nguy hiểm. Khoảng 14 giờ chiều hôm đó, tôi được người ta báo nó bị chết đuối, mãi đến 3 hôm sau mới tìm được xác.

Trường hợp trẻ bị đuối nước mới đây nhất là bé Lê Trọng Hiếu (2 tuổi) ở ấp 2, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh. Theo anh Lê Tấn Tài, ba của bé Hiếu thì Hiếu là đứa con duy nhất của vợ chồng anh. Hằng ngày, Hiếu được vợ chồng anh gửi cho ông bà nội sống ở gần nhà trông giữ. Do thương cháu nên những lúc đi tắm dưới kênh trước nhà ông nội bé Hiếu đều dẫn cháu nội tắm cùng cho vui nên hình thành thói quen “xuống kênh” cho bé trai 2 tuổi này. Buổi trưa ngày 1/4/2013, trong lúc cha mẹ anh Tài đi ngủ, bé Hiếu tự đi xuống kênh tắm và bị chết đuối. Anh Lê Tấn Tài tâm sự: “Cái chết của bé Hiếu làm gia đình tôi rất đau lòng. Tôi có lời khuyên cho mọi người có con nhỏ đừng nên tập cho cháu tắm sông hoặc dẫn cháu ra bờ kênh để vệ sinh mà hình thành cho cháu thói quen. Có con nhỏ mọi người nên trông giữ cẩn thận”.

Cũng như các tỉnh thành khác ở đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp là tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và ở nông thôn xung quanh nhà của nhiều hộ dân có rất nhiều kênh mương, ao hồ, đó là điều kiện rất dễ xảy ra tai nạn chết đuối ở trẻ em. Hàng năm, để phòng ngừa trẻ em đuối nước, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, đồng thời tổ chức hằng trăm lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em để tự bảo vệ bản thân, tuy nhiên nạn đuối nước vẫn diễn ra. Để nạn đuối nước không xảy ra, người dân hãy nâng cao ý thức trong việc trông giữ trẻ.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn