Nặng nghĩa với rừng

Cập nhật ngày: 01/05/2013 05:35:59

Xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng rồi duyên số đã đưa họ đến sống chung dưới "mái nhà" xanh của rừng và tình yêu thiên nhiên, yêu rừng đã hình thành trong họ ý thức bảo vệ vốn tài nguyên quý giá này.


Anh Đỗ Minh Chánh "Với tôi, rừng là tất cả"

Nặng nghĩa với rừng

Vườn Quốc gia (QG) Tràm Chim nguy cơ cháy rừng vẫn ở cấp V-cấp cực kỳ nguy hiểm. Thời điểm này, anh Đỗ Minh Chánh (SN 1965), Đội phó Đội Bảo vệ Vườn QG Tràm Chim phụ trách phân khu A2, A3, A4 vẫn túc trực 24/24, lâu rồi không về thăm nhà.

Gần 4 tháng trời đội nắng hết tuần tra kiểm soát lại lên đài canh lửa, làm công tác vận động nhân dân... tuy cực nhọc nhưng anh Chánh vẫn đầy nhiệt huyết. "Hơn 20 năm gắn bó với rừng, giờ đây rừng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi", anh chia sẻ.

Chính tình yêu rừng, yêu thiên nhiên là sợi dây vô hình gắn kết cuộc đời anh với rừng xanh trong chiếc áo nhân viên bảo vệ từ những năm 1993. Cũng chính tình yêu rừng đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để anh vượt qua khoảng cách địa lý, rời quê hương Thới Lai (Cần Thơ) và chọn Tam Nông làm quê hương thứ 2. Anh tâm sự: "Nếu có sự chọn lựa giữa cuộc sống trong rừng và ngoài thành thị thì tôi vẫn chọn cuộc sống dưới tán rừng".

Dù vợ và các con anh ở ngay ấp K8, xã Phú Đức (Tam Nông) nhưng vào cao điểm nắng nóng như hiện nay, anh rất ít khi về thăm nhà. Anh cho biết: "Nếu bình thường thì vài tuần về thăm vợ con một lần. Vào những tháng mùa khô như hiện nay, phải bám trụ địa bàn để kịp thời xử lý những tình huống bất ngờ. Trừ khi có trường hợp đặc biệt lắm mới được về nhà vài tiếng đồng hồ".

Để giữ cho hơn 2.000ha đất rừng thuộc phân khu A2, A3, A4 của Vườn QG Tràm Chim không cháy trong nhiều mùa khô liền là chuyện không hề đơn giản, trong đó có công lao không nhỏ của anh Đỗ Minh Chánh. Anh Chánh chia sẻ: "Để công tác vận động đạt hiệu quả cao, không nên nói nhiều và nói cùng lúc nhiều chủ đề. Quan trọng hơn là mình phải biết nghe dân để giải tỏa kịp thời những thắc mắc, nghi ngờ của họ, cũng như cần phải sát dân, nắm được tập quán sinh hoạt của dân...".

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Phòng Quản lý và Bảo vệ tài nguyên - Vườn QG Tràm Chim, anh Chánh là một trong những người công tác lâu năm ở Vườn. Anh có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình trong công tác và nhiệm vụ nào được giao, anh cũng hoàn thành tốt.

Biết nguy hiểm nhưng vẫn theo nghề

Dưới cái nắng tháng 4 như đổ lửa. Trương Thanh Hải (SN 1972), kiểm lâm viên, công tác ở tổ kiểm lâm cơ động phòng cháy, chữa cháy rừng, thuộc Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng vẫn miệt mài cùng anh em đi tuần tra như mọi ngày ở rừng phòng hộ Phú Cường.

Vốn quê hương ở tận thôn Mỹ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nhưng cái duyên đã đẩy đưa anh đến với Đồng Tháp và gắn bó với việc "giữ màu xanh" cho rừng khi mới vừa tròn 20 tuổi. Hơn 21 năm trong nghề, anh Hải đã 2 lần phải nằm viện vì bị những đối tượng xâm nhập rừng trái phép tấn công. Lần thứ nhất trong một lần tuần tra, anh bị người đánh bắt cá trái phép dùng xung điện chích bị thương. Lần thứ 2, khi làm nhiệm vụ anh bị nhiều đối tượng chống cự và đánh khiến anh dập xương chậu, phải nằm bệnh viện để điều trị.

Anh Hải chia sẻ: "Tuy biết công việc nguy hiểm nhưng vì yêu nghề, yêu rừng, tôi vẫn theo nghề "giữ rừng". Vào cao điểm phòng cháy, chữa cháy rừng như hiện nay, với tôi không có ngày nghỉ".

Ngoài anh Chánh, anh Hải, còn có hàng trăm cán bộ, nhân viên đang âm thầm bảo vệ từng mét vuông rừng ở Tam Nông. Mỗi người một vị trí, một công việc, một cách nghĩ, cách làm khác nhau, nhưng họ cùng một mục tiêu là bảo vệ rừng trong điều kiện thời tiết khô hạn. Những việc làm thật đơn giản, thật gần gũi, nhưng đầy ý nghĩa. Các anh đang từng giờ, từng phút bảo vệ màu xanh của rừng.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn