Huyện Thanh Bình
Điểm sáng từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Cập nhật ngày: 12/10/2022 13:20:34
ĐTO - 20 năm qua, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn huyện Thanh Bình mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Giải ngân vốn tín dụng chính sách ưu đãi cho người dân xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình
Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP, huyện Thanh Bình đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay được trên 50.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt trên 623 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp cho hơn 18.700 lượt hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay để làm ăn; tạo việc làm cho hơn 2.600 lao động; gần 3.550 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; hơn 22.380 lượt hộ vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
Ông Đặng Phú Sum - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thanh Bình cho biết: “Bên cạnh nguồn vốn cân đối từ Trung ương, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện còn tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách huyện chuyển sang để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với người lao động có nhu cầu vay vốn. Năm 2022, nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện là 1,5 tỷ đồng, nâng tổng số vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện hiện nay lên trên 11,5 tỷ đồng. Việc quan tâm chuyển vốn từ ngân sách huyện sang NHCSXH đã giúp cho nhiều hộ dân được vay vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế đáng kể”.
Điển hình như ông Nguyễn Trọng Hương ngụ khóm Tân Đông A, thị trấn Thanh Bình sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Ông Hương cho biết: “Năm 2021, việc kinh doanh của tôi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thanh Bình cho vay 70 triệu đồng, đầu tư vào sản xuất trà sen. Việc duy trì sản xuất đã giúp cho người lao động có việc làm ổn định, giảm bớt khó khăn trong mùa dịch. Mặc dù số tiền vay không nhiều nhưng đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do dịch bệnh. Hiện nay, việc kinh doanh của tôi ngày càng phát triển”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Niêu ngụ ấp Thị, xã An Phong khởi nghiệp từ nghề chế biến, kinh doanh thực phẩm chay, ban đầu do nguồn vốn ít, nên lợi nhuận còn thấp. Năm 2018, bà Niêu được vay 50 triệu đồng đầu tư mua máy móc để chế biến đặc sản khô sườn non chay. Hiện nay, thu nhập bình quân của Cơ sở chế biến Thực phẩm chay Bảy Lên do bà Niêu làm chủ có doanh thu hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng, đồng thời còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Bà Niêu chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách huyện mà tôi có thêm vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đây là vốn vay ưu đãi rất phù hợp với người dân vì thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp, không phải thế chấp tài sản”.
Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đến đúng đối tượng thụ hưởng, huyện Thanh Bình đã lập 13 điểm giao dịch của NHCSXH tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn, 293 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ chức chính trị - xã hội địa phương nhận ủy thác quản lý 55 khóm, ấp với 11 chương trình TDCS được triển khai, tăng 8 chương trình so với ban đầu triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP. Có thể nói, phương thức cho vay này đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, tỉnh, huyện đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp người dân biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhờ chính sách tín dụng thiết thực tạo điều kiện phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng nguồn vốn cho vay của huyện đạt trên 353 tỷ đồng, tăng hơn 339 tỷ đồng (gấp 26 lần) so với thời điểm Phòng Giao dịch NHCSXH huyện được thành lập. Ông Phan Văn Phụng - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Thanh Bình nhận xét: “Những kết quả đạt được 20 năm qua đã khẳng định vai trò của TDCS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện Thanh Bình thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới”.
Cũng theo ông Phan Văn Phụng, thành tựu đạt được của TDCS được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng và những đặc thù riêng có của NHCSXH. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được, hỗ trợ vốn TDCS cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
SÔNG NGÂN