Đồng Tháp chủ động tìm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Cập nhật ngày: 08/10/2016 06:30:34
ĐTO - Được xem là địa phương ít chịu ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn nhưng phát triển nông nghiệp của Đồng Tháp lại chịu ảnh hưởng chính từ nguồn nước của sông Mê Kông. Những năm gần đây, tình hình lũ nhỏ có nhiều tác động đến phát triển kinh tế của người dân Đồng Tháp. Để hiểu hơn về diễn biến lũ năm 2016 và những giải pháp ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu mà ngành nông nghiệp đang triển khai, phóng viên Báo Đồng Tháp có buổi trao đổi với ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa ông! Ông đánh giá như thế nào về diễn biến lũ năm nay?
Ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp
Ông Võ Thành Ngoan (V.T.N.): Theo Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Tháp, diễn biến lũ trong các tháng 6, tháng 7, tháng 8 vừa qua, mực nước các nơi chủ yếu chịu ảnh hưởng của thủy triều biển Đông kết hợp với nước từ thượng nguồn về và theo xu thế tăng chậm. Đến cuối tháng 8, mực nước khu vực đầu nguồn và nội đồng Đồng Tháp Mười vẫn còn ở mức rất thấp, xấp xỉ cùng kỳ năm 2015 và thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 30 - 120cm, riêng khu vực phía Nam ở mức xấp xỉ. Trong tháng 9 và đầu tháng 10/2016 mực nước các nơi trong tỉnh sẽ lên dần theo triều và lũ thượng nguồn, đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực đầu nguồn xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, ở mức cao hơn năm 2015, thấp hơn TBNN và dao động ở mức báo động cấp I (khu vực Tân Châu, Hồng Ngự ở mức 3,50m). Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười xuất hiện vào giữa tháng 10 và ở mức báo động cấp I (Trường Xuân ở mức 1,50m). Mực nước khu vực phía Nam lên mức cao nhất vào tháng 10, tháng 11 ở mức xấp xỉ báo động cấp III (Cao Lãnh ở mức 2,10m).
PV: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ nhỏ thì nông nghiệp của Đồng Tháp sẽ bị tác động ra sao?
Ông V.T.N.: Kể từ sau năm 2011, mực nước lũ luôn thấp đã có những tác động đến tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân. Đứng ở góc độ thực tế sản xuất thì lũ nhỏ tạo điều kiện để nông dân tăng diện tích lúa vụ 3, nhưng theo đó cũng có nhiều hệ lụy tiêu cực xuất hiện. Cụ thể, lịch sản xuất kéo dài, tình trạng xuống giống không đồng loạt tạo điều kiện cho sâu, bệnh, chuột, dịch hại phát triển, nông dân có xu hướng sử dụng lượng phân đạm tăng... dẫn đến giá thành sản xuất lúa có khuynh hướng tăng, lợi nhuận giảm. Song song đó, một bộ phận nông dân các huyện phía Bắc vốn sống bằng nghề đánh bắt cá mùa lũ bị thất mùa do nước nhỏ. Mặt khác, dòng chảy ở các sông bị thu hẹp, lưu tốc cao, thiếu hụt phù sa bồi đắp nên dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra thường xuyên.
PV: Để thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình lũ thấp, Đồng Tháp có những giải pháp gì?
Ông V.T.N: Hiện nay, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã triển khai một số mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp như: mô hình tưới tiêu tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mô hình “1 phải, 5 giảm”; mô hình “1 phải, 6 giảm”; mô hình sản xuất thông minh, ứng dụng phân bón chậm tan; khuyến khích nông dân chuyển đổi mô hình “2 lúa, 1 màu”...
Ngoài ra, Sở NN&PTNT đang triển khai Tiểu dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng Tháp Mười và các huyện phía Bắc đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Theo đó, dự án sẽ xây dựng hạ tầng thủy lợi chủ động điều tiết nguồn nước, kiểm soát nước để gia tăng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sinh kế. Qua đó, chọn được mô hình thích hợp nhất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Định hướng tới, Sở NN&PTNT được Chủ tịch UBND tỉnh giao xây dựng kịch bản sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu. Chúng tôi sẽ có những suy nghĩ, việc làm tích cực hơn, thiết thực hơn phù hợp với thực tế của tỉnh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Mỹ Lý (Thực hiện)