Long đong nghề bán hàng rong

Cập nhật ngày: 05/10/2016 09:52:51

ĐTO - Mỗi người một số phận, nhưng họ có chung một hoàn cảnh nghèo khó, không nghề nghiệp, nên chọn nghề bán hàng rong làm kế sinh nhai. Bất chấp nắng mưa, họ rong ruổi khắp các tuyến đường, góc phố cùng những “gánh” hàng với những gương mặt mệt nhoài vì nắng gió, bụi đường. Cực khổ là vậy, số tiền lời kiếm được chẳng là bao nhưng vì miếng cơm manh áo họ phải theo đuổi nghề, chỉ mong bán được hàng, kiếm chút tiền trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học.


Chị Nguyễn Thị Bé Tư với “kho hàng di động” làm kế sinh nhai

Gắn bó với nghề bán hàng rong 5 năm, chị Nguyễn Thị Bé Tư (phường 3, TP.Cao Lãnh) đã đi lại khắp các tuyến đường, vỉa hè, quán nước, bến xe, góc chợ, bệnh viện ở TP.Cao Lãnh. Đồng hành với những bước chân mưu sinh của chị Tư là “kho hàng di động”. Chị mang lỉnh kỉnh trên người nào mắt kính, đồ chơi điện tử trẻ em, quẹt gas, bóp da, móc khóa,... Thoáng nét buồn trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, chị Tư chia sẻ: “Lội cả ngày rã cả hai chân mà bán chưa được 300.000 đồng. Tính ra tiền lời kiếm được chỉ khoảng vài chục ngàn đồng. Nghề mua bán hàng rong là vậy đó, cực nhiều mà lời lãi thì không được bao nhiêu, được cái mỗi ngày đều có thu nhập nuôi sống gia đình và lo sách vở cho 2 đứa con đến trường”. Chị Tư có 2 con nhỏ đã đi học, từ ngày chồng mất do bệnh, chị Tư để con ở nhà với bà ngoại, quẩy gánh hàng rong lo cho cả gia đình.

Cũng làm nghề bán hàng rong, anh Trần Thanh Tú (xã Bình Phú, huyện Tân Hồng) đi khắp các địa phương trong tỉnh, có khi đi sang các tỉnh lân cận để bán hàng. Tối anh thuê nhà trọ ngủ, cả tháng trời mới về nhà một lần. Thùng hàng của anh Tú chứa rất nhiều bánh (bánh lỗ tai heo, bánh quai vạc, các loại củ, quả sấy khô) được cột quanh chiếc xe. Ngoài lang thang bán dạo, điểm đến của anh còn là các vỉa hè, góc phố hoặc chợ “chồm hổm”. Anh chạy xe dọc theo các tuyến đường, ai kêu thì ghé, khi đi qua những nơi đông người, chợ, trường học,... thì kiếm chỗ bật dù bán tạm. Ai đuổi thì chạy. Khắp nơi trong tỉnh, hầu như xã nào anh cũng đã ghé qua. Anh Tú chia sẻ: “Tôi đã làm nghề gần chục năm rồi, gian nan vất vả lắm nhưng phải lo cho 2 con đi học và kiếm tiền trị bệnh cho vợ nên tôi bám trụ cho tới bây giờ. Để tiết kiệm chi phí đi lại, có khi cả tháng tôi mới về nhà một lần. Không có ruộng đất, không nghề nghiệp thì phải chịu chứ biết làm sao”.

Còn cô Lê Thị Út (phường 4, TP.Cao Lãnh) có 5 đứa con, gia đình không “cục đất cắm dùi”. Chồng cô làm thuê quanh năm vẫn không đủ miếng ăn cho cả nhà. Chật vật, khó khăn, túng thiếu triền miên, cô Út đi hỏi tiền bà con trong xóm mua được mớ trái cây mận, xoài, cóc, ổi,... mang đi bán dạo ở bến xe, trường học, cơ quan,... Ròng rã mấy mươi năm tần tảo đội nắng dầm mưa, “tay xách nách mang” sống nghề mua bán hàng rong, cô nuôi được đàn con khôn lớn trưởng thành. Cô Út tâm sự: “Vất vả vì mưa nắng, đôi lúc tôi cũng muốn bỏ đi cái nghề “mua gánh bán bưng” tìm việc khác mà làm. Nhưng nghĩ lại nó cũng là một cái nghề, có thể nuôi sống được bản thân và gia đình. Điều quan trọng muốn trụ vững với nghề phải thật thà, không gian lận trong cân, đo, đong đếm, hay đừng vì lợi nhuận rồi dối trá khách hàng...”.

Gắn bó với nghề bán hàng rong nhiều năm, nhiều người đều cho rằng không ai làm giàu từ nghề này, nhưng vì hoàn cảnh, nhiều người khó chuyển nghề để có thu nhập hơn.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn