Đồng Tháp khắc phục khó khăn cho các trường dạy nghề trọng điểm

Cập nhật ngày: 05/06/2013 05:11:15

Đa dạng hóa nghề đào tạo và chú trọng chuyên sâu những nghề trọng điểm, đó là định hướng phát triển hiện nay của các trường dạy nghề trên đia bàn tỉnh Đồng Tháp. Nhiều thuận lợi đang mở ra nhưng cũng đi kèm theo đó là những đòi hỏi đồng bộ mới có thể khai thác hết thế mạnh của trường dạy nghề.


Học viên Trường Trung cấp Nghề Giao thông vận tải
trong giờ thực hành

Hiện tại, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có cơ sở dạy nghề, riêng các huyện: Thanh Bình, Hồng Ngự và Tháp Mười thì đã nâng cấp thành Trường trung cấp nghề, ở thị xã Sa Đéc thì có Trường Cao đẳng Nghề Đồng Tháp. 4 trường này cũng đang đào tạo 6 nhóm nghề trọng điểm quốc gia, gồm: Chế biến thủy sản và bảo quản thủy sản (Trung cấp Nghề huyện Hồng Ngự), Điện Công nghiệp và chế biến thủy sản (Trung cấp Nghề huyện Thanh Bình), Cơ khí nông nghiệp (Trung cấp Nghề huyện Tháp Mười) và Điện Công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Kỹ thuật xây dựng (Cao đẳng Nghề Đồng Tháp). Riêng ở Trường Cao đẳng Nghề Đồng Tháp còn có 1 nghề đào tạo đạt tiêu chuẩn ASEAN đó là nghề Công nghiệp ô tô.

Với lợi thế về cơ sở vật chất và nhiều gói thiết bị mới được ngân sách tỉnh và Trung ương đầu tư trong giữa năm 2012 và đầu năm 2013 nên các Trường có đào tạo các nghề trọng điểm này tỏ ra năng động hơn trong mùa tuyển sinh năm 2013.

Riêng ở Trường Cao đẳng Nghề Đồng Tháp thì mùa tuyển sinh năm 2013 thông báo tuyển sinh hệ chính quy 16 nghề, hệ liên thông liên kết 3 nghề, hệ cao đẳng liên thông lên đại học 5 nghề. Với khả năng tiếp nhận trên 1.000 học viên mới, đến nay đã có khá nhiều em đến tìm hiểu và nộp hồ sơ đăng ký vào học. Còn ở Trường Trung cấp Nghề huyện Thanh Bình, thạc sỹ Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng trường cho biết đã khởi động rất sớm các khâu tư vấn tuyển sinh, dự đoán năm nay sẽ thu hút số học viên đông hơn các năm.

Tuy nhiên, do ở cấp huyện, các trường dạy nghề mới được nâng cấp từ các Trung tâm dạy nghề, còn ở cấp tỉnh thì Trường Cao đẳng nghề cũng thay đổi đề án mở rộng di dời sang địa điểm mới, trong khi có thêm rất nhiều ngành nghề được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc gia và khu vực ASEAN nên gần như cơ sở vật chất hiện tại của các trường chưa đáp ứng theo kịp. Tình trạng nhiều máy móc thiết bị thực hành của các nghề trọng điểm còn chưa thể đưa ra sử dụng gây không ít băn khoăn cho cán bộ quản lý kể cả giảng viên và học viên của các trường. Ví dụ như ở Trường cao đẳng Nghề Đồng Tháp hiện tại các gói thiết bị máy móc dạy nghề Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô,... trị giá gần 10 tỷ đồng đang còn nằm kho.

Trước những khó khăn này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thái cùng đại diện các Sở Xây dựng, Kế hoạch đầu tư, Lao động, Thương binh Xã hội... cũng đã đến làm việc với Ban giám hiệu các trường dạy nghề trọng điểm trong tỉnh. Qua bàn bạc đi đến thống nhất hướng tháo gở phù hợp nhất là tỉnh sẽ đầu tư kinh phí xây dựng thêm các nhà xưởng thực hành, tạo thêm môi trường thông thoáng cho học viên, khai thác hết giá trị của các thiết bị mới phục vụ thực hành theo các mô đun nghề giảng dạy, kịp đưa vào sử dụng cho năm học 2013 -2014. Riêng Trường Trung cấp Nghề Hồng Ngự thì sẽ đầu tư thêm 8 phòng chức năng.

Cũng nhân chuyến làm việc này Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã nhắc nhở các Trường dạy nghề cần chú trọng hoàn thiện hơn nữa về chương trình giảng dạy: các trường năng động hơn trong việc mở rộng hướng làm dịch vụ để tạo nguồn thu và tăng sức hấp dẫn cho trường, chú trọng hoạt động liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm sau khi đào tạo nghề cho học viên. Có như vậy thì mới khai thác hết các thế mạnh mà Trung ương cũng như tỉnh nhà đã đầu tư cho các trường trọng điểm.

Ngọc Hoa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn