Sống bám trẻ thơ

Cập nhật ngày: 03/06/2013 04:14:13

Mấy tháng qua, người dân thành phố Cao Lãnh thường xuyên bắt gặp người phụ nữ trẻ có thân hình to tròn lẽo đẽo theo “chăn dắt” 4 đứa trẻ ăn xin hết người này đến người khác, rất phản cảm.

Được sự hướng dẫn của những người bán hàng tại Phà Cao Lãnh, chúng tôi lần theo dấu vết của người phụ nữ và 4 đứa trẻ ăn xin về đến tổ 14, ấp An Thuận, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò tìm hiểu.


Đào Văn Hải tại nhà

Túp lều tạm bợ, mái tôn, vách lá có diện tích chưa đầy 15m2 là nơi ở của 4 đứa trẻ ăn xin và vợ chồng Đào Văn Hải (30 tuổi)-Nguyễn Thị Mỹ Phương (31 tuổi) chính là người “chăn dắt” các trẻ trên sinh sống. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về hoàn cảnh và “nghề nghiệp” của gia đình, Hải như hiểu ý và phân bua: “Vợ chồng em khổ quá mới cho mấy đứa nhỏ đi xin, chứ đâu có nỡ”.

Trong lều có tivi, quạt máy, nồi cơm điện. Chúng tôi thấy người phụ nữ dáng mập mạp đang ngồi cười đùa cùng 4 đứa trẻ mặt mày lem luốt, áo quần nhếch nhác. Qua giới thiệu của Hải, thì người phụ nữ kia là vợ của anh, tên Phương, còn 4 đứa nhỏ kia là con của anh gồm: Nguyễn Thị Mỹ Quyên (11 tuổi), Nguyễn Thị Bích Trâm (9 tuổi), Nguyễn Trọng Phúc (7 tuổi) và Đào Thị Cẩm Tiên (1 tuổi).

Đó cũng là 4 đứa trẻ được vợ chồng Hải dùng làm phương tiện “kiếm cơm” hằng ngày. Mỗi buổi sáng, Hải đưa Phương và các con đón xe buýt sang thành phố Cao Lãnh để đi xin rồi quay về nhà nằm đợi. Trong quá trình các bé đi xin, Phương sẽ đi theo theo dõi tình hình và thu giữ số tiền các bé xin được. Một ngày đi xin ăn 4 đứa trẻ này có thể kéo dài đến tận nửa đêm mới về đến nhà.

Nhiều người không khỏi chua xót khi chứng kiến 4 đứa nhỏ đi xin ăn. Bà Nguyễn Thị B., người bán hàng ở bến Phà Cao Lãnh nói: “Nhìn 4 đứa trẻ đi xin thấy tội nghiệp lắm. Quần áo thì dơ bẩn, ai cho gì ăn nấy. Có lúc thấy tụi nhỏ bị người phụ nữ đi theo đánh mà cầm lòng không được, phải móc tiền cho chúng”.

Khi tiếp chuyện với Mỹ Quyên, chúng tôi thấy trên cơ thể của em có rất nhiều vết sẹo to, nhỏ. Có thể đấy chính là những gì còn lại sau những trận đòn mà bản thân em đã nhận từ người mẹ của mình trong quá trình đi xin. Khi tôi hỏi: “Em có bị mẹ đánh không”. Với vẻ mặt sợ sệt, Quyên ậm ừ trả lời “không” rồi bỏ đi chỗ khác. Phương giải thích: “Em có đánh mấy đứa nhỏ gì đâu. Vợ chồng em cho mấy đứa ăn xin để kiếm vài chục ngàn mua gạo ăn hằng ngày thôi mà...”.

Nguyễn Thị Mỹ Phương vốn quê ở phường 15, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Trước khi quen và về Đồng Tháp sống với Đào Văn Hải, Phương đã có 3 con riêng là các bé Quyên, Trâm, Phúc, còn bé Đào Thị Cẩm Tiên là con chung với Hải. Dù đã có với nhau 1 con chung nhưng Hải và Phương không đăng ký kết hôn. Do không sống thường xuyên ở địa phương nên Phương và 4 bé không nhập hộ khẩu cùng gia đình Hải ở Đồng Tháp.

Ông Võ Văn Nhơn - Trưởng Ban nhân dân ấp An Thuận, xã Mỹ An Hưng B nói: “Hồi nào đến giờ nơi đây chưa có người dân đi ăn xin. Việc bà Phương còn trẻ mà dẫn mấy đứa nhỏ đi xin ăn, người dân rất dị nghị. Lúc dẫn mấy đứa nhỏ đi xin, vợ chồng Hải có đánh mấy đứa nhỏ không thì không biết chứ ở nhà thì không nghe nói”.

Qua tìm hiểu, từ lúc dẫn vợ về quê sống, Hải không thích làm việc, chỉ thích uống rượu và ngồi chờ vợ và các con mang tiền về cho mình tiêu xài. Khi chúng tôi hỏi tại sao anh không đi kiếm việc làm, Đào Văn Hải diện lý do: “Em là thợ sơn nhưng ở quê không có ai mướn. Em cũng muốn đi làm lắm chứ”. Tôi chưa kịp hỏi, Mỹ Phương đã trả lời: “Ở thành phố em đi bán vé số. Ở đây không bán được và không có việc làm gì nên để mấy đứa đi xin”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thơm - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An Hưng B cho biết: “ Trước đây, xã có nắm tình trạng vợ ông Hải dẫn con đi xin nên chỉ đạo Hội Phụ nữ kết hợp với cán bộ ấp vận động gia đình cam kết không đi xin nữa. Tưởng họ bỏ, nhưng mới đây lại nhận được thông tin là họ đi nơi khác xin ăn tiếp tục. Mấy trẻ và bà Phương không phải là người trong xã nên việc quản lý gặp khó khăn. Địa phương cũng rất bức xúc”.

Vợ chồng Hải - Phương trẻ và có sức khỏe nhưng lại lười lao động. Họ nhẫn tâm đẩy con mình đi xin để sống bám vào những đồng tiền nhỏ nhoi đó, thật đáng xấu hổ cho bậc làm cha mẹ như thế. Địa phương cần sớm ngăn chặn việc làm của đôi vợ chồng này để tuổi thơ của các bé Quyên, Trâm, Phúc, Tiên không mãi chôn vùi theo những tháng ngày “đi xin” cực khổ.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn