Giải pháp vun trồng

Cập nhật ngày: 15/10/2023 10:36:47

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231015103800mobifone_audio_1697341066397.mp3

 

ĐTO - Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc lại lời dạy của người xưa: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Con người là vốn quý của xã hội và tuổi trẻ là tương lai của gia đình và xã hội.


Học sinh Trường THPT Cao Lãnh 1 (huyện Cao Lãnh) tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (CTV)

Gia đình và xã hội đều có nguyện vọng chung đối với trẻ là con ngoan, trò giỏi và công dân tốt. Sự đồng thuận về mục tiêu ấy chính là điểm quyết định cho sự thành công trong giáo dục giới trẻ. Và khi nhận diện được những biến đổi, nhìn thấu những thách thức sẽ giúp cho các cơ quan có liên quan chủ động tìm ra những giải pháp, biện pháp thích hợp tác động đến giới trẻ hình thành đạo đức, lối sống mới hiện đại. Các giải pháp ấy phải mang tính đồng bộ, thực hiện kiên trì và liên tục.

Từ những phân tích về mặt tích cực, trung tính và tiêu cực trong đạo đức, lối sống giới trẻ và nguyên nhân của nó, các nhóm giải pháp chủ yếu sau đây cần được xem xét thực hiện:

Một, nhóm giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội.

Từ định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp và các nghị quyết chuyên đề đến năm 2025, định hướng lâu dài về sau nữa, các cơ quan lãnh đạo, quản lý và chuyên môn các cấp cần tập trung tổ chức thực hiện các nội dung trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, cụ thể hóa đầy đủ các quyết sách về phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hiện đại; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trước hết là giao thông; đẩy mạnh kiến tạo đô thị; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xây dựng nông thôn mới... Sự lớn mạnh về kinh tế sẽ là tiền đề quan trọng cho những tiến bộ về các mặt xã hội và ngược lại. Có nguồn lực và sử dụng các nguồn lực thông minh sẽ tạo sức bật của kết cấu hạ tầng - kỹ thuật và chính nó lại là yếu tố trực tiếp hình thành các phẩm chất mới của con người mới.

Cùng các tiền đề kinh tế và kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, chính sách xã hội được xem là “con đường ngắn nhất” nâng cao nhận thức, chuyển đổi niềm tin mỗi người. Chính sách xã hội là những chính sách trực tiếp đảm bảo những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, biểu hiện rõ nhất bản chất của một chế độ xã hội. Nó là cầu nối giữa kinh tế với đạo đức. Phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động là tiền đề, điều kiện vật chất cho việc thực hiện chính sách xã hội. Thông qua các chính sách xã hội và việc thực hiện các chính sách đó, những chuẩn mực, giá trị, quan niệm đạo đức mới sẽ dần hình thành và nở rộ trong xã hội.

Hai, giáo dục làm chuyển hóa và định hình chuẩn mực đạo đức, lối sống.

Chú trọng giáo dục lý luận chính trị, lịch sử - truyền thống của đất nước và địa phương, văn hóa, đạo đức dân tộc và đạo đức cách mạng (tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh) và pháp luật. Hình thành nên ý thức, lý tưởng cao đẹp, tình yêu quê hương đất nước, khát vọng sống tốt trong các mối quan hệ với con người và tự nhiên. Đồng thời và quan trọng nhất, việc giáo dục tình yêu lao động và các kỹ năng sống (kỹ năng “mềm”) thích hợp trong thời đại mới cần được đề cao. Các nội dung giáo dục này và các chuẩn mực đạo đức, lối sống mà cộng đồng thừa nhận phải được truyền tải thích hợp trong các bậc học phổ thông và trên mọi phương tiện truyền thông.

Ba, thể chế hóa các chuẩn mực đạo đức, lối sống.

Đạo đức và pháp luật có mối quan hệ biện chứng với nhau. Vai trò của pháp luật không thể thiếu đối với việc nâng cao vai trò của đạo đức, lối sống. Pháp luật càng đầy đủ, chặt chẽ và được thi hành nghiêm chỉnh thì đạo đức càng được đề cao, khả năng điều chỉnh và giáo dục của đạo đức càng được mở rộng. Sự thống nhất và gắn bó giữa pháp luật và đạo đức trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay được thực hiện trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước và được qui định bởi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”.

Pháp luật và đạo đức cùng biểu hiện lợi ích và ý chí của nhân dân lao động. Sự điều chỉnh của pháp luật và đạo đức đối với hành vi của con người trong quan hệ giữa cá nhân và xã hội đều vì sự phát triển tự do và toàn diện của con người. Chỗ khác nhau giữa pháp luật và đạo đức là ở hình thức biểu hiện. Sự điều chỉnh của pháp luật thể hiện ý chí của nhà nước, còn đạo đức là biểu hiện của ý chí xã hội. Pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội bằng sự cưỡng chế bắt buộc từ bên ngoài theo các chuẩn mực pháp lý, còn đạo đức điều chỉnh mối quan hệ đó thông qua dư luận xã hội, sự cắn rứt lương tâm, sự giác ngộ đạo đức cá nhân theo chuẩn mực đạo đức.

Sự thống nhất và khác biệt giữa đạo đức và pháp luật là cơ sở cho sự tác động qua lại, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Vì vậy, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật là biện pháp để nâng cao vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội và trong sự hình thành phát triển nhân cách con người, nhất là giới trẻ. Một mặt, tiến hành thẩm định các chuẩn mực đạo đức, lối sống có giá trị và mang tính phổ biến trong các cộng đồng dân tộc và mặt khác, nghiên cứu, đánh giá các xu hướng xuất hiện chuẩn mực đạo đức, lối sống mới để luật hóa. Trên cơ sở pháp luật, các cơ quan lãnh đạo và quản lý cấp địa phương ban hành các tiêu chí cụ thể hơn phù hợp với đặc điểm riêng của mỗi vùng, miền. Bên cạnh tính khuyến khích của đạo đức, luật hóa các chuẩn mực đạo đức, lối sống sẽ là “hành lang” ràng buộc các đối tượng tuân thủ, tạo ra một xã hội thượng tôn pháp luật, tôn trọng các đạo đức, lối sống tốt đẹp.


Giáo viên, trẻ mẫu giáo, mầm non huyện Hồng Ngự với hoạt động thư viện của bé (Ảnh: H.Tiến)

Bốn, tạo điều kiện thực hành đạo đức, lối sống.

Xây dựng các định chế, thiết chế, tạo “địa bàn” để luật pháp và các chuẩn mực đạo đức, lối sống được thực thi trong mọi hoạt động của mỗi người, nhất là trong giới trẻ. Ngay từ những năm đầu đời, mỗi hành vi của con người phải được định hướng theo chân, thiện, mỹ. Cách “học ăn, học nói, học gói, học mở” phải được thao tác để trở thành nếp đối với mỗi trẻ. Triết lý của nhà Phật về “Tu hành” rất có ý nghĩa trong thực thi chuẩn mực đạo đức, lối sống.

 Năm, xây dựng các môi trường lành mạnh.

 Các môi trường giáo dục (gia đình, nhà trường và xã hội) cần được kiến tạo như một “pháo đài” kiên cố trong việc bảo tồn và phát triển các chuẩn mực đạo đức, lối sống. Dĩ nhiên, gia đình - “tế bào” của xã hội, cần phải được đặc biệt chú trọng xây dựng. Ở đây, các cơ quan có liên quan nên tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu các xu hướng biến đổi đối với gia đình trong thời đại mới để có các kiến giải khoa học hơn. Trong việc xây dựng môi trường xã hội, hết sức chú trọng đến việc xây dựng các cộng đồng dân cư ở từng địa bàn cụ thể gắn với các chuẩn mực được cộng đồng dân cư thừa nhận và những tiêu chí thật chất của “gia đình văn hóa”, ấp (khóm) văn hóa. Mặt khác, từ cơ quan lãnh đạo và quản lý vĩ mô đến các cấp cơ sở phải tăng cường quản lý và kịp thời đấu tranh, ngăn chặn để loại bỏ các khuynh hướng tư tưởng, sản phẩm văn hóa độc hại và hành vi xấu có thâm nhập, ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi người, nhất là giới trẻ.

Sáu, về các chính sách, chế độ đối với đối tượng giáo dục giới trẻ.

Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ chỉ có thể thực hiện được và đạt được kết quả tốt khi có sự phối kết hợp chung, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa. Ngoài những chính sách đã được Nhà nước ban hành, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh nghiên cứu xây dựng một số chế độ để hỗ trợ cho người làm công tác quản lý, giáo dục và ngay chính giới trẻ trong học tập, phát triển năng khiếu, vui chơi...

Bảy, nghiên cứu đầy đủ hơn về các nhóm trong giới trẻ.

Cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các giới khoa học và các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu sâu, phân loại, phân tầng, các lớp “lát cắt” của giới trẻ để hiểu hơn về các xu hướng của các nhóm trong giới trẻ. Trước mắt, cần xác định trọng điểm nghiên cứu nhóm trẻ chuẩn bị bước vào độ tuổi lao động, độ tuổi lập gia đình, giới trẻ trong các gia đình trung lưu, giới trẻ trong các gia đình công chức - viên chức, sự lựa chọn nghề (một phần để trả lời câu hỏi giới trẻ có thích làm nông nghiệp và trở thành nông dân chuyên nghiệp)...

Biến đổi về đạo đức, lối sống là khách quan. Biến đổi ấy nhanh hay chậm bị chi phối bởi các nhân tố khách quan và chủ quan. Trong xã hội đương đại, sự biến đổi nhanh, cực đoan và chiều hướng biến đổi như thế nào là điều có thể nhận thấy. Do vậy, các giải pháp đồng bộ được thực hiện liên tục của các cơ quan chức năng và các chủ thể giáo dục sẽ là tiền đề, điều kiện ươm mầm đạo đức, lối sống tốt đẹp cho giới trẻ và khi ấy, kết quả của việc “trăm năm trồng người” sẽ là tài sản vô giá cho mỗi gia đình và xã hội.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn