Hàng chục ngàn hộ dân thoát nghèo nhờ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Cập nhật ngày: 12/04/2013 06:08:29

Từ năm 2003 đến năm 2012 toàn tỉnh có hàng chục ngàn hộ dân thoát được nghèo, từng bước vươn lên có cuộc sống ổn định, là có công đóng góp rất lớn từ hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Tháp.


Mô hình hộ nghèo hùn vốn vay mua máy gặt đập liên hợp
làm ăn có hiệu quả

Hộ anh Trần Thanh Phong ngụ ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông là một trong hàng chục ngàn hộ được công nhận thoát nghèo trong thời gian qua nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ hệ thống NHCSXH tỉnh. Trước đây, gia đình anh Phong có hoàn cảnh hết sức khó khăn, gia đình không ruộng đất, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê mướn rất bấp bênh, vì thế nghèo khó luôn đeo bám gia đình.

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình anh Phong rất chí thú làm ăn. Do đó, Ban xóa đói giảm nghèo xã và Xã đoàn Phú Đức (Hội đoàn thể nhận ủy thác) đã mạnh dạn xét cho hộ anh Phong vay 3 triệu đồng (năm 2006) đầu tư nuôi cá lóc có hiệu quả, sau đó gia đình anh Phong được UBND xã xét công nhận thoát nghèo, đồng thời tiếp tục được vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH để đầu tư phát triển kinh tế và từng bước vươn lên có cuộc sống ổn định.

Hoạt động của NHCSXH tỉnh Đồng Tháp chủ yếu thực hiện ủy thác cho vay từng phần qua 4 Hội đoàn thể (Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên) tỉnh, huyện, xã nhận ủy thác nhằm đảm bảo chính sách của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ cho người nghèo có điều kiện tiếp cận và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách. Tính đến ngày 31/12/2012, tổng nguồn vốn của đơn vị đạt 1.747,7 tỷ đồng (tăng 1.615,2 tỷ đồng và gấp 12 lần) so với thời điểm mới bắt đầu hoạt động, bình quân mỗi năm tăng trưởng 30,09%. Các Hội đoàn thể nhận ủy thác đã tham gia quản lý 1.731,12 tỷ đồng (chiếm 99,12% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh) thông qua việc thành lập 4.161 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).


Một hộ dân ngụ xã Tân Phước (huyện Lai Vung) sử dụng vốn
vay giải quyết việc làm đầu tư chuyển đổi vườn tạp thành vườn
chuyên canh cây ăn trái cho thu nhập cao

Tổng doanh số cho vay trong 10 năm (2003-2012) của NHCSXH tỉnh đạt 2.979 tỷ đồng, bình quân đạt 298 tỷ đồng/năm. Doanh số cho vay cao là nhờ NHCSXH tỉnh tích cực thu hồi nợ đến hạn (tổng doanh số thu nợ đạt 1.372 tỷ đồng, bình quân thu 137 tỷ đồng/năm, chiếm 46,06% trên tổng doanh số cho vay) để cho vay quay vòng. Hiện tại, NHCSXH tỉnh đã triển khai thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có 4 chương trình tín dụng có tỷ lệ dư cao là: chương trình cho vay học sinh, sinh viên chiếm 32,2%; cho vay hộ nghèo chiếm 25,6%; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chiếm 15,1% và cho vay mua trả chậm nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ ĐBSCL chiếm 13,5%.

Từ các chương trình tín dụng ưu đãi trên, trong 10 năm qua toàn tỉnh có 389.838 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ hệ thống NHCSXH tỉnh. Dư nợ bình quân hộ vay từ 2,4 triệu đồng/hộ vào năm 2003 tăng lên 10 triệu đồng/hộ vào năm 2012, qua đó giúp 44.792 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 93.013 lao động; giúp cho 55.648 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng 124.972 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 26.209 căn nhà vượt lũ ĐBSCL; 10.693 căn nhà cho hộ nghèo; 1.088 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Từ năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Tổng giám đốc, NHCSXH tỉnh đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách theo đề án đã được Trung ương phê duyệt đối với các tỉnh Tây Nam bộ nói chung và Đồng Tháp nói riêng có chất lượng tín dụng thấp. Theo đó, đề án tập trung xử lý 5 chỉ tiêu là nợ quá hạn, nợ bị chiếm dụng, nợ lãi tồn đọng, nợ không đủ điều kiện đổi sổ và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV.


Sử dụng vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường
nông thôn làm nhà vệ sinh

Sau 1 năm thực hiện đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, NHCSXH tỉnh đạt và vượt 4/5 chỉ tiêu của đề án theo lộ trình. Đến cuối năm 2012, có 7/12 Phòng Giao dịch NHCSXH huyện có tỷ lệ nợ quá hạn dưới mức bình quân chung toàn hệ thống NHCSXH tỉnh; còn 5 Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, thị xã có nợ quá hạn trên mức bình quân chung là: huyện Lấp Vò 1,76%; thị xã Hồng Ngự 1,90%; huyện Hồng Ngự 2,11%; thị xã Sa Đéc 2,8% và huyện Tân Hồng 4,17%.

Mục tiêu tổng quát hoạt động của NHCSXH đến năm 2020 là “Phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách của Nhà nước; đồng thời phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác”.

Theo đó, mục tiêu cụ thể được đặt ra cho hoạt động NHCSXH tỉnh là: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn đủ điều kiện đều được vay vốn; tăng trưởng dư nợ bình quân 10%/năm; nợ quá hạn phấn đấu bằng dư nợ bình quân toàn quốc; phấn đấu thu lãi đạt 100% lãi phải thu và thu giảm dần lãi tồn đọng; tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn