Hiệu quả bước đầu Dự án dạy nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia
Cập nhật ngày: 14/12/2012 11:33:05
Từ năm 2010 đến nay mỗi năm, Trung tâm Dạy nghề huyện Tân Hồng đều xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác tuyển sinh và đào tạo nghề. Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng, thẩm định, phê duyệt các danh mục nghề đào tạo và chi phí đào tạo cho từng nghề.
Nghề đan ghế nhựa giúp lao động nông thôn có thu nhập ổn định
Trung tâm đã đào tạo 6 nghề hệ sơ cấp (theo Dự án dạy nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia) gồm: may gia đình, sửa chữa xe gắn máy, điện công nghiệp, công nhân xây dựng, lắp ráp, bảo trì máy tính. Đối với hoạt động dạy nghề thường xuyên (có 5 nghề gồm may công nghiệp, đan ghế nhựa, đan giỏ xách dây nhựa, chăn nuôi heo, gà vịt theo hướng an toàn sinh học...), để học viên yên tâm học nghề, mức chi cho các hoạt động dạy nghề được thực hiện thường xuyên theo quy định.
Cụ thể trong năm 2010, Trung tâm dạy nghề có 279 học sinh (HS) tốt nghiệp với kinh phí phân bổ hơn 300 triệu đồng, năm 2011 có 671 HS tốt nghiệp với kinh phí phân bổ hơn 1 tỉ đồng, tính đến tháng 8/2012 có 556 HS với kinh phí phân bổ hơn 400 triệu đồng. Để người lao động thuận tiện trong việc học nghề, Trung tâm phối hợp cùng với các hội, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn mở các lớp dạy nghề theo hình thức truyền nghề, dạy nghề tại địa phương; địa điểm được chọn mở lớp tại các xã, thị trấn, khu vực đông dân cư; đối tượng tham gia học nghề là những người chưa học qua các lớp nghề.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền tư vấn cho lao động nông thôn tham gia học nghề cũng được Trung tâm thực hiện thường xuyên. Trung tâm phối hợp với Đài Truyền thanh, các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện để tư vấn, truyền thông hướng dẫn HS đăng ký, chọn lựa nghề theo nhu cầu. Đối với các lớp nghề nông thôn, hoạt động tư vấn nghề được tuyên truyền tại các lớp khai giảng, tư vấn tại UBND các xã, thị trấn trong huyện.
Các buổi tư vấn giúp người lao động nắm bắt được những thông tin về chính sách đãi ngộ của Nhà nước khi tham gia học nghề; biết thêm về nhu cầu tìm việc làm, thu nhập hàng tháng, có thể tự tổ chức làm nghề và phối hợp với nhiều người cùng tham gia để có thêm thu nhập cho gia đình, bản thân người học nghề.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dạy nghề huyện Tân Hồng cũng đã sử dụng nguồn kinh phí được cấp từ Trung ương, địa phương như năm 2010 trên 300 triệu đồng, năm 2011 hơn 1 tỷ đồng, năm 2012 hơn 400 triệu đồng mua sắm thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy. Quy trình mua sắm theo đúng tiến độ, 100% nguồn kinh phí dùng vào việc mua sắm thực hiện đúng theo mục tiêu dự án. Việc sử dụng, bảo quản các thiết bị được mua sắm từ nguồn kinh phí dự án được thực hiện tốt, thường xuyên, phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của HS và người lao động nông thôn.
Với những giải pháp trên, kết quả thực hiện theo Đề án có 369 lao động sau khi hoàn thành các lớp đào tạo nghề đã được doanh nghiệp trong và ngoài huyện tuyển dụng, có 557 lao động nông thôn tự tạo việc làm, góp phần tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.
C.P