Hiệu quả công tác phòng ngừa tệ nạn mại dâm

Cập nhật ngày: 01/09/2024 05:26:39

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240901052718dt2-3.mp3

 

ĐTO - Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), các sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống mại dâm (MD). Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của cộng đồng cùng tham gia phòng, chống tệ nạn MD.


Hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn huyện Hồng Ngự nghe tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm, mua bán người

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trên địa bàn tỉnh có hơn 930 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD; trong đó có 514 cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê...) và 418 cơ sở kinh doanh nhà hàng, karaoke, cơ sở massage. Sở LĐ-TB&XH phối hợp các ngành chức năng tổ chức cho 647 cơ sở kinh doanh dịch vụ ký cam kết không vi phạm pháp luật về MD. Đồng thời phối hợp các cơ quan truyền thông, sở, ngành và tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn MD. Hình thức tuyên truyền đa dạng thông qua tin, bài phóng sự phát trên sóng truyền thanh, trang thông tin điện tử, mạng xã hội Zalo, Facebook...

Đến tháng 8/2024, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Báo Đồng Tháp thực hiện 8 kỳ chuyên trang tuyên truyền “Phòng, chống tệ nạn xã hội”; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện chuyên mục “Con đường hoàn lương, gương sáng điển hình sau cai nghiện”. Cùng với đó, phối hợp tổ chức 688 cuộc tuyên truyền, với hơn 38.200 lượt người tham dự; xây dựng 260 tin, bài tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội; phát gần 2.100 lượt tuyên truyền trên Đài truyền thanh huyện, xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD” tại TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc và các huyện: Lai Vung, Châu Thành, Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự. Qua thời gian triển khai, mô hình góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở; giúp người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ được bảo vệ và hưởng các quyền lợi theo quy định.

Tại các địa phương, UBND huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giải pháp chủ động phòng ngừa tệ nạn MD tại địa phương. Từ đầu năm 2024 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Cao Lãnh, Công an huyện, Phòng LĐ-TB&XH huyện, UBND các xã, thị trấn tích cực phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người dân trong việc chủ động phòng ngừa tệ nạn xã hội. Cùng với công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh, triệt xóa các đường dây, nhóm hoạt động MD và xử lý nghiêm vụ việc MD khi phát hiện, góp phần giảm hoạt động MD trá hình trong cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Tại huyện Hồng Ngự, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các đơn vị thành viên Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội huyện kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh có nghi vấn MD trên địa bàn nhằm ngăn ngừa hiệu quả các hoạt động liên quan đến tệ nạn MD. Ông Lê Nhật Trường - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hồng Ngự, cho biết: “Ngoài công tác kiểm tra liên ngành, Phòng LĐ-TB&XH huyện còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê thông tin của các lao động nữ địa phương đang làm thuê ở ngoài tỉnh, khu vực phức tạp về tệ nạn MD. Từ đó, phối hợp tuyên truyền, vận động lao động chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nhất là không tham gia tệ nạn MD. Đồng thời tìm hiểu nguyện vọng của các lao động nữ nhàn rỗi, không có nghề nghiệp ở địa phương nhằm hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm góp phần hạn chế bị lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội”.

Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tệ nạn MD trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Phát huy kết quả đạt được, Sở LĐ-TB&XH, các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và huy động các tầng lớp nhân dân tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở hoạt động ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhằm kịp thời răn đe, ngăn chặn các hành vi liên quan đến tệ nạn MD

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn