Hiệu quả của các điểm tư vấn cộng đồng và trường học
Cập nhật ngày: 29/03/2013 04:42:02
Sau gần 1 năm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) triển khai kế hoạch hoạt động Điểm tư vấn cộng đồng và trường học, bước đầu đã có một số thành công nhất định.
Các điểm tư vấn này nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tham vấn cho cán bộ cấp xã, phường và giáo viên, cán bộ quản lý trong trường học, tăng cường các hoạt động phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em trong tỉnh, đồng thời giúp gia đình và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) được nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em, giúp các em được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục, bạo lực, vi phạm pháp luật góp phần xây dựng môi trường an toàn lành mạnh, thân thiện cho trẻ em.
Tập huấn cho các thành viên Tổ Tư vấn cộng đồng
Có 12 xã, phường xây dựng các điểm tư vấn gồm: phường Hòa Thuận, phường 11, phường 3, phường 4, xã Tịnh Thới, Tân Thuận Đông và Mỹ Ngãi (TP.Cao Lãnh), xã Tân Hội, An Bình A, Bình Thạnh, phường An Thạnh, phường An Lộc (TX.Hồng Ngự). Ngoài ra còn có các Điểm tư vấn bảo vệ trẻ em trong trường học tại 6 trường THCS thuộc TP.Cao Lãnh và TX.Hồng Ngự. Đây là những xã, phường có nhiều trẻ em có HCĐB và nguy cơ rơi vào HCĐB cần được hỗ trợ tư vấn.
Trong thời gian qua, 18 Điểm tư vấn cộng đồng và trường học đã tư vấn được 137 trường hợp. Trong đó, có 86 trường hợp tư vấn về tâm lý giáo dục, 32 trường hợp tư vấn về các chính sách xã hội... Ngoài ra, các Điểm tư vấn còn truyền thông, tư vấn nhóm 24 cuộc cho gia đình, 24 cuộc cho trẻ em có HCĐB và nguy cơ, có trên 1.095 lượt người tham dự. Nội dung được gia đình và các em quan tâm như: mối quan hệ giữa bạn bè, giữa học sinh với thầy cô, đặc điểm tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì, giải quyết những xung đột trong gia đình, bạo lực học đường, trầm cảm, bị ngược đãi, phân biệt đối xử...; cách nuôi dạy con, đặc điểm tâm sinh lí của trẻ, hiểu biết về luật pháp, chính sách có liên quan đế trẻ em...
Hầu hết các trường hợp đều được thành viên của tổ tư vấn hướng dẫn, giúp đỡ và giải quyết. Qua đó giúp gia đình và trẻ em giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, tế nhị, hợp tình hợp lý; nâng cao trách nhiệm bảo vệ trẻ em, giúp các em được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của trẻ em.
Một trong nhiều trường hợp tư vấn thành công là trường hợp em H. (Sinh năm 1997) ngụ phường 11. Cha mẹ em ly hôn. Cha em đến địa phương khác sinh sống và không còn liên lạc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mẹ em phải lên TP.Hồ Chí Minh làm thuê và gửi em sống cùng gia đình cậu - kinh tế cũng còn nhiều khó khăn. Em nghỉ học và thường xuyên tụ tập đi chơi với đám bạn cùng trang lứa. Xét thấy đây là đối tượng trẻ em cần được giúp đỡ, vì có nguy cơ vi phạm pháp luật, Điểm tư vấn cộng đồng của phường đã cử cán bộ xuống gặp trực tiếp tư vấn, tham vấn cho em.
Qua gặp gỡ trao đổi nhiều lần, em đã có sự chuyển biến rõ rệt, em cho biết có nguyện vọng được học nghề sửa xe để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Điểm tư vấn đã kết nối với dự án Phù sa giúp em được học nghề như mong muốn. Hiện nay, em học tập rất tốt và không còn tụ tập đi chơi như trước nữa. Bước đầu đánh giá đây là trường hợp đã được tư vấn thành công nhưng các thành viên tư vấn vẫn thường xuyên quản lí, theo dõi nhằm kịp thời uốn nắn khi gặp vấn đề xảy ra.
Để đạt được kết quả trên nhờ sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, đặt biệt trong công tác phối hợp, các thành viên của Tổ tư vấn luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Bảo vệ Trẻ em tại các xã, phường nhằm kịp thời phối hợp, bàn các giải pháp giúp đỡ cho các em có HCĐB. Ngoài ra, Tổ tư vấn còn nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân và trẻ em tại địa phương; cán bộ tận tâm, nhiệt huyết trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình cán bộ tư vấn chưa có nhiều kinh nghiệm, định mức hỗ trợ cho cán bộ tư vấn còn thấp và những trường hợp thiếu sự hợp tác của gia đình và trẻ em là những thách thức không nhỏ để đạt được các chỉ tiêu năm 2013: phấn đấu 75% gia đình và trẻ em có HCĐB tại các xã, phường có điểm tư vấn cộng đồng bảo vệ, trẻ em được nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em; 70% trường hợp trẻ em và gia đình sau khi tư vấn có chuyển biến, giải quyết tốt hơn các vấn đề bức xúc nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn; 100% thành viên điểm tư vấn cộng đồng và trường học tham gia thực hiện tốt các hoạt động của điểm tư vấn cộng đồng và trường học.
Vì vậy rất cần được sự hỗ trợ, quan tâm của các ngành, các cấp nhiều hơn nữa để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tỉnh ngày càng đạt hiệu quả cao.
Minh Thành