Hiệu quả của các tổ tư vấn việc làm
Cập nhật ngày: 17/04/2013 05:25:02
Nhằm hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ lao động nông thôn được học nghề, tìm việc làm, hiện 18/18 xã, thị trấn của huyện Cao Lãnh đều có tổ tư vấn, việc làm, đảm nhận vai trò cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động tại địa phương.
Tại xã Ba Sao, tổ tư vấn việc làm được thành lập năm 2012. Trong năm, tổ đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động tại địa phương tham gia học nghề, tìm việc làm trong và ngoài xã. Để điều hành tổ, UBND xã giao cho Xã đoàn Ba Sao thực hiện công tác này.
Người lao động tham gia tư vấn việc làm (ảnh minh họa)
Chị Thạch Ngọc Giàu - Phó Bí thư Xã đoàn Ba Sao cho biết: “Công việc của tổ tư vấn việc làm là phối hợp cùng với cán bộ xã đến tư vấn trực tiếp, nắm thông tin về nhu cầu việc làm của người lao động để gửi đến đơn vị đang tuyển dụng. Ngoài ra, tổ còn tiếp nhận thông tin tuyển lao động từ các đơn vị trong và ngoài tỉnh, trung tâm dạy nghề, sau đó viết thành bản tin đọc trên truyền thanh xã, thông tin rộng rãi đến người dân...”.
Với cách làm này, năm 2012, tổ tư vấn của xã đã tư vấn 315 lao động tại địa phương đi làm việc trong, ngoài xã. Ngoài việc tư vấn nghề cho lao động, tổ còn tìm hiểu nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Hiện tại, tổ phối hợp cùng Trung tâm dạy nghề huyện tuyên truyền mở lớp sửa chữa máy sạ hàng, máy gặt đập liên hợp tại xã.
Không chỉ tư vấn trực tiếp việc làm tại địa phương, các tổ tư vấn, việc làm tại các xã, thị trấn còn giữ mối liên hệ khắng khít với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, đơn vị tuyển dụng trong và ngoài tỉnh hướng nghiệp đến đối tượng học sinh tại địa phương.
Theo đó, UBND xã, thị trấn cùng với tổ tư vấn việc làm xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS tại địa bàn các xã, thị trấn. Chuyển tải thông tin đến phụ huynh học sinh, các tổ tư vấn cùng với hội đoàn thể địa phương mời các em có học lực yếu, học lực trung bình tham gia buổi tư vấn để định hướng cho các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Mặt khác, tổ tư vấn việc làm còn tham mưu với UBND xã liên kết Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề khảo sát nhu cầu học nghề, nghề học phù hợp với yêu cầu thị trường lao động.
Phát huy vai trò tích cực trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, trong năm 2012, các tổ tư vấn việc làm đã thực hiện tư vấn, tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho hơn 7.000 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh, đạt 107% kế hoạch năm. Các lớp nghề được mở tại địa phương phù hợp với nhu cầu của người lao động như: nghề đan dây cói, đan lục bình, điện công nghiệp, sửa kiểng bonsai... Các nghề liên quan đến nông nghiệp như kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thủy sản cũng thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mở 70 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản với gần 1.800 lượt người dân tham dự tiếp thu kỹ thuật, vận dụng trong quá trình làm việc.
Năm 2013, huyện Cao Lãnh đặt chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 7.000 lượt người lao động, tuyển sinh đào tạo nghề hệ sơ cấp, trung cấp cho hơn 1.200 người. Đạt được chỉ tiêu này, đòi hỏi các tổ tư vấn việc làm các xã, thị trấn phát huy hơn nữa thế mạnh của mình tại địa phương. Để nâng cao năng lực, kỹ năng tư vấn cho cán bộ tại các tổ tư vấn việc làm, năm 2013, huyện tiếp tục củng cố các tổ tư vấn, việc làm, dạy nghề tại các xã, thị trấn làm cầu nối giữa người lao động và nhà tuyển dụng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác việc làm, kỹ năng tư vấn việc làm cho tổ tư vấn việc làm tại các xã, thị trấn.
C.Phương