Vượt lên số phận

Cập nhật ngày: 15/04/2013 04:45:28

Có những người do bệnh tật, chiến tranh,…cơ thể bị khiếm khuyết không được như người bình thường nhưng họ vẫn nỗ lực vượt qua những chông gai của số phận để có được thành công.

Nghị lực của chàng trai khuyết tật

Đỗ Bá Cường SN 1982 trong một gia đình nghèo, lúc đầu cơ thể cũng bình thường như mọi người, nhưng đến lúc ba tháng tuổi, cơn sốt bại liệt quái ác đã làm Cường bị liệt 2 chi.


Anh Đỗ Bá Cường

Đến lúc 3 tuổi, sau những tháng ngày vất vả tập luyện, Cường cũng có thể đi lại được. 5 tuổi Cường đã biết đọc, biết viết thành thạo. Cần cù, chịu khó và rất sáng dạ nên năm học nào Cường cũng đạt học lực từ khá trở lên. Tốt nghiệp THPT vào năm 1998, Đỗ Bá Cường đăng ký thi vào ngành Quy hoạch Đô thị của trường Đại học Kiến Trúc (TP.HCM). Tuy nhiên, đến ngày đi thi, vì lo cho con sức khỏe yếu không ai chăm lo, gia đình quyết định không cho anh đi thi. Ước mơ học đại học vuột mất, khiến Bá Cường rất hụt hẫng.

Nhận được thông tin tại thành phố Cao Lãnh - nơi gia đình đang ở có một cơ sở tin học liên kết đào tạo hệ Trung cấp lập trình viên, Bá Cường xin đi học. Kết thúc khóa học đó, anh lấy được tấm bằng loại ưu. Ra trường, trải qua một số công việc như: bán hàng điện tử, trực phòng internet, đến tháng 6/2008, Đỗ Bá Cường được Công ty TNHH MTV Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp nhận vào làm việc tại Phòng Công nghệ thông tin.

Được vào làm việc đúng với chuyên môn, sở thích, Đỗ Bá Cường nhanh chóng phát huy năng lực và tài năng của mình. Đến nay, anh đã thực hiện tổng cộng 14 đề tài cải tiến thông qua những phần mềm ứng dụng giúp làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng. Điển hình, trong năm 2010, anh phối hợp với đồng nghiệp thực hiện đề tài "Ứng dụng mã số, mã vạch trong quản lý hóa đơn và công nợ tiền nước" giúp cho nhân viên thu tiền nước tăng năng suất lao động, đồng thời giúp Công ty tiết kiệm mỗi năm trên 400 triệu đồng.

Ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Bá Cường rất tích cực học tập nâng cao trình độ. Đến nay, anh đã tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin. Trong công tác, hàng năm anh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được nhận rất nhiều Giấy khen và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Đỗ Bá Cường cho biết: "Nhằm mang lại lợi ích cho Công ty, trong thời gian tới tôi sẽ nghiên cứu thực hiện một số sáng kiến khác. Nếu có điều kiện, tôi sẽ học lên trình độ thạc sĩ".

Thương binh tàn nhưng không phế

Trở về sau chiến tranh biên giới Tây Nam, ông Nguyễn Văn Ny (SN 1956) ở ấp 3, xã Phú Ninh, huyện Tam Nông gặp rất nhiều khó khăn, cơ thể đầy thương tích với tỷ lệ thương tật 82% (chỉ còn một mắt, một cánh tay) nhưng với phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ, ông đã không đầu hàng trước khó khăn. Lập gia đình và lần lượt 6 người con ra đời.


Chú Nguyễn Văn Ny

Thấy gia đình ông không ruộng đất, cuộc sống lại khó khăn, lãnh đạo xã Phú Ninh cấp cho ông 2.000m2 đất nông nghiệp để cải thiện cuộc sống, ông Nguyễn Văn Ny ngày đêm tiến hành cải tạo để biến mảnh đất trở nên màu mỡ. Chỉ có một tay, cơ thể lại bị vết thương hành hạ đau nhức đến nỗi có lúc bị ngất đi nhưng không vì thế mà ông đầu hàng. Ông cố gắng tập luyện và biến tay trái thành tay lao động chính. Một số dụng cụ lao động vốn được chế tạo cho người thuận tay phải, ông cải tạo lại để sử dụng cho tay trái.

Để gia đình có cuộc sống tốt hơn, ông còn bơi xuồng đi mua bán, trao đổi hàng hóa khắp nơi. Bằng ý chí quyết tâm của bản thân và gia đình trong lao động sản xuất, cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Văn Ny ngày càng sung túc, nhà cửa khang trang và chăm lo cho các con ăn học thành tài. Từ 2.000m2 đất được địa phương cấp ban đầu, hiện gia đình ông có tổng cộng 53.000m2 đất nông nghiệp.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Ny còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Hiện ông là hội viên Hội Cựu chiến binh, thành viên Hội Khuyến học xã, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xã Phú Ninh. Gia đình ông là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào năm 2010.

Ông Nguyễn Văn Ny tâm sự: "Để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi rất trân trọng và biết ơn vợ tôi, người đã chấp nhận cùng tôi xây dựng gia đình và cùng đồng cam cộng khổ với tôi. Cám ơn sự giúp đỡ của lối xóm và lãnh đạo địa phương. Bản thân tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với lời dạy "Thương bình tàn nhưng không phế".

Vượt qua bóng tối

Đối với rất nhiều người, cô gái Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1983) - Chủ tịch Hội Người mù thành phố Cao Lãnh là người rất dễ gần và giàu nghị lực.


Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Là con thứ 3 trong gia đình ở xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, chào đời được 4 tháng Nguyễn Thị Tuyết Nhung đã bị căn bệnh nhiễm trùng mắt khiến cô bị mù lòa. Rất ham học nhưng vì không nhìn thấy ánh sáng nên ước mơ đi học của Tuyết Nhung khép lại nhưng qua những tiếng học bài của người chị ruột, Tuyết Nhung thuộc rất mau các kiến thức, chỉ trong thời gian ngắn chị có thể đọc vanh vách bảng cửu chương và nội dung những bài mà chị mình đã học.

Đến năm 11 tuổi, Tuyết Nhung được gửi vào học tại Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị (TP.HCM). Do nhạy bén và rất thông minh chỉ trong 1 buổi học Tuyết Nhung đã thuộc hết các chữ cái, rồi xung phong đọc trả lời các câu hỏi của giáo viên trong tiếng hoan hô của cả lớp. Được tiếp xúc với bạn bè, Tuyết Nhung không còn tự ti, luôn là học sinh giỏi đứng đầu lớp. Sau đó, do bị tai nạn giao thông, Tuyết Nhung được gia đình đưa về quê.

Về Đồng Tháp, cô tham gia vào Hội Người mù huyện Cao Lãnh và được bầu vào Ban Chấp hành hội, được bồi dưỡng và chuyển về giữ chức Phó Chủ tịch, rồi đến Chủ tịch Hội Người mù thành phố Cao Lãnh.

Năm 2006, Nguyễn Thị Tuyết Nhung tranh thủ đi học lớp tin học tại thành phố Hồ Chí Minh. Vượt qua những khó khăn chị kết thúc khóa học với chứng nhận loại khá. Hiện chị có thể sử dụng vi tính (có cài phần mềm riêng cho người khiếm thị) để soạn thảo văn bản, lên mạng đọc báo, gửi thư điện tử... Ngoài ra, chị còn tích cực chỉ dạy cho các hội viên trong hội.

Đến nay, chị Tuyết Nhung đã tổ chức được 4 lớp dạy chữ nổi Braille và khóa dạy nghề cho nhiều hội viên khác. Chị Tuyết Nhung cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu học một số nghề đơn giản để chỉ dạy lại cho người bị khiếm thị ở địa phương cải thiện cuộc sống.

Có thể nói, anh Đỗ Bá Cường, ông Nguyễn Văn Ny và chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung là những tấm gương sáng về nghị lực sống. Dù có khó khăn, khiếm khuyết họ vẫn không buông xuôi, đầu hàng số phận mà luôn phấn đấu vươn tới những điều tốt đẹp.

Phú Thuận

Trong Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ xã hội tiêu biểu toàn quốc diễn ra trong 2 này 13 và 14/4 năm 2013 tại Hà Nội, Đồng Tháp có 6 cá nhân tiêu biểu tham dự gồm: ông Nguyễn Văn Ny, anh Đỗ Bá Cường, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung là đối tượng người khuyết tật tiêu biểu; em Nguyễn Đỗ Thu Trúc (Nhà Tình thương, TX.Sa Đéc), em Lê Ngân Dương (học sinh trường THCS và THPT Nguyễn Văn Khải, huyện Cao Lãnh) là đối tượng trẻ mồ cô vượt khó học giỏi và ông Đặng Văn Nhẹ (xã Tân Huề, huyện Thanh Bình) là đối tượng bảo trợ xã hội tiêu biểu. Sáng ngày 12/4, lãnh đạo Sở LĐTB&Xã hội tỉnh cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo-Trẻ mồ côi và Người tàn tật tỉnh thăm hỏi, động viên các cá nhân tiêu biểu dự hội nghị.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn