Xã Thường Lạc
Hiệu quả hoạt động truyền nghề cho hội viên, phụ nữ
Cập nhật ngày: 27/06/2022 13:39:36
ĐTO - Từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự đã đẩy mạnh hoạt động truyền nghề nông thôn cho hội viên (HV), phụ nữ (PN) tại địa phương; kết nối, giới thiệu cho HV, PN tham gia vào làm tại các tổ hợp tác (THT), tổ liên kết đan ghế nhựa tại xã. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều HV, PN, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ trong thời gian nhàn rỗi.
Hội viên, phụ nữ Ấp 1, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự có thu nhập ổn định từ nghề đan ghế nhựa
Hiện nay, nghề đan ghế nhựa là nghề phát triển tại xã Thường Lạc. Nhằm góp phần tạo việc làm cho HV, PN, Hội LHPN xã phối hợp với Chi hội PN ấp thành lập 1 Tổ truyền nghề đan ghế nhựa tại Ấp 1 với 10 thành viên. Chị Lê Võ Hoàng Yến Nga - Tổ trưởng Tổ truyền nghề đan ghế nhựa tại Ấp 1 cho biết: “Tôi cùng các thành viên trong tổ đã truyền dạy nghề đan ghế nhựa cho nhiều HV, PN ở địa phương. Nghề này cũng dễ học, người chưa biết nghề chỉ cần học khoảng 3 ngày là có thể làm được. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tổ đã truyền dạy nghề cho hơn 45 chị ở địa phương”.
Cùng với hoạt động của Tổ truyền nghề, Hội LHPN xã còn phối hợp với các Chi hội PN ấp vận động, khuyến khích HV, PN là thành viên của 2 THT và 5 tổ liên kết đan ghế nhựa trên địa bàn xã tích cực truyền dạy nghề đan ghế nhựa cho các HV, PN chưa có việc làm. Đồng thời kết nối, giới thiệu cho HV, PN sau khi được học nghề tham gia vào làm tại các THT, tổ liên kết đan ghế nhựa ở xã. Đến nay, thông qua hoạt động truyền nghề gắn với giới thiệu việc làm, Hội LHPN xã Thường Lạc đã hỗ trợ cho trên 200 HV, PN được học nghề đan ghế nhựa và có việc làm, thu nhập ổn định hàng tháng, góp phần giúp các chị cải thiện cuộc sống.
Như trường hợp của chị Huỳnh Thị Nữ (SN 1996) ngụ ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Lạc là một trong những người được truyền nghề từ các thành viên trong Tổ truyền nghề đan ghế nhựa tại Ấp 1 giúp chị có việc làm, thu nhập ổn định. Chị Nữ bộc bạch: “Gia đình tôi thuộc hộ khó khăn, trước kia, tôi không có việc làm, chủ yếu ở nhà làm nội trợ. Thu nhập chính của gia đình dựa vào công việc đi giao cá mướn của chồng tôi nên chỉ đủ sống qua ngày. Đầu năm 2022, tôi được Hội LHPN xã giới thiệu học nghề đan ghế nhựa từ các chị trong Tổ truyền nghề đan ghế nhựa tại Ấp 1. Sau khi học nghề xong, Hội LHPN xã còn giới thiệu cho tôi vào làm cho THT đan ghế nhựa tại Ấp 1. Mỗi tháng, tôi có thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng, số tiền này giúp tôi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, chăm lo cho con đi học, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn”.
Còn chị Tô Thị Diệp (SN 1966) ngụ Ấp 1, xã Thường Lạc chia sẻ: “Trước đây, tôi đi làm mướn nên thu nhập cũng khá bấp bênh. Nhờ được chị Nga - Tổ trưởng Tổ truyền nghề đan ghế nhựa tại Ấp 1 dạy nghề, tôi đã biết đan ghế nhựa. Qua học nghề, tôi lãnh khung, nguyên liệu từ các thành viên của THT đan ghế nhựa tại Ấp 1 phân phối và làm tại nhà. Công việc này cũng khá dễ, tôi có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi là làm nên rất thuận lợi. Hiện nay, tôi có thu nhập hơn 3,5 triệu đồng/tháng, giúp tôi có thêm tiền để trả tiền điện, nước... nên cuộc sống của tôi bây giờ đã giảm bớt khó khăn”.
Theo Hội LHPN xã Thường Lạc, ngoài việc tổ chức truyền nghề đan ghế nhựa, từ đầu năm 2022 đến nay, Hội LHPN xã và các Chi hội PN ấp còn tổ chức truyền nghề may gia công, nữ công gia chánh, qua đó đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều HV, PN ở địa phương. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã còn khảo sát nhu cầu học nghề, lập danh sách các HV, PN đăng ký tham gia học nghề và phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Hồng Ngự tổ chức các lớp dạy nghề nông thôn cho HV, PN tham gia. Chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự cho biết: “Từ đây đến cuối năm, Hội LHPN xã tiếp tục vận động Tổ truyền nghề đan ghế nhựa tại Ấp 1 đẩy mạnh hoạt động truyền nghề cho HV, PN; củng cố, duy trì hoạt động và hỗ trợ cho các thành viên THT, tổ liên kết đan ghế nhựa được vay vốn để phát triển nghề đan ghế nhựa nhằm giúp các THT, tổ liên kết đan ghế nhựa hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết tốt việc làm và giúp HV, PN của địa phương ổn định cuộc sống”.
MỸ XUYÊN