Hiệu quả phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế

Cập nhật ngày: 24/05/2022 09:41:40

ĐTO - Giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế là một trong những phong trào thiết thực và ý nghĩa được Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Đồng Tháp quan tâm thực hiện. Những năm qua, phong trào này ngày càng phát huy hiệu quả, đã tạo động lực giúp nhiều hội viên CCB vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.


Mô hình nuôi gà thả vườn của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thuận (xã Tân Bình, huyện Thanh Bình) cho thu nhập ổn định

Sau 5 năm đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, tỷ lệ hộ nghèo là CCB trong toàn tỉnh giảm từ 3,5% năm 2016 xuống còn 0,3% năm 2021; hộ cận nghèo giảm từ 3% xuống còn 2%; tỷ lệ hộ CCB khá giàu ngày càng tăng (trên 58%). Các mô hình kinh tế do CCB làm chủ hoạt động đa dạng, phong phú ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp không nhỏ vào công tác an sinh xã hội, quỹ từ thiện, tri ân đồng đội. Hiện nay, Hội CCB tỉnh có 76 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 53 mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết; 35 trang trại, gia trại (tăng 28% so với nhiệm kỳ trước), các mô hình kinh tế tập thể thu hút gần 2.200 lao động tham gia.

Để hội viên có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp Hội CCB tập trung chỉ đạo khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua Hội CCB tỉnh trên 810 tỷ đồng, có gần 33.000 hộ vay, mức vay từ 25 - 37 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, bằng hình thức huy động, Hội CCB các cấp đã hình thành Quỹ giúp nhau giảm nghèo, với số tiền gần 18 tỷ đồng, cho vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho trên 2.800 CCB, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các cấp Hội CCB cũng đã tích cực triển khai vận động, khai thác các nguồn lực để xóa nhà tạm bợ cho CCB, toàn tỉnh xóa được gần 780 căn nhà tạm, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Từ khi thực hiện phong trào, các cấp Hội trong tỉnh đã có những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phong trào, từng hội viên đã không ngại khó, đoàn kết tương trợ để cùng nhau vượt qua khó khăn, giúp nhau phát triển kinh tế, qua đó xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, gương hội viên CCB vượt khó thoát nghèo

Huyện Thanh Bình là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Hàng năm, Hội CCB huyện chủ động xây dựng kế hoạch tiến hành khảo sát thực tế đời sống của từng hội viên về những thuận lợi, khó khăn, nhu cầu về vốn, học nghề, giới thiệu việc làm. Nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về nhà ở, các cấp Hội đề ra giải pháp cụ thể để triển khai áp dụng mô hình làm ăn có hiệu quả bằng nguồn vốn quỹ hội, vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Chú Phạm Văn Hăng - Chủ tịch Hội CCB huyện Thanh Bình cho biết, để giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế, các cấp Hội đã vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thực hiện các mô hình sản xuất mới. Hội cũng đề ra những biện pháp cụ thể, tập trung chỉ đạo hội viên đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống. Với sự nỗ lực phấn đấu, 5 năm qua, Hội CCB huyện đã góp phần giảm hộ nghèo, xóa nhà tạm bợ, trên địa bàn huyện không còn hộ CCB nghèo và hộ cận nghèo, sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu nhiệm kỳ.

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, hoàn cảnh CCB Nguyễn Văn Thuận ở ấp Hạ, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình rất khó khăn do không có đất sản xuất. Khi được Hội CCB hỗ trợ cho vay 5 triệu đồng, ông Thuận bàn bạc với gia đình quyết định phát triển chăn nuôi heo. Sau 2 năm, gia đình ông trả được vốn vay và thoát nghèo. Đợt dịch bệnh heo Châu phi bùng phát, gia đình ông chuyển sang nuôi gà thả vườn cho đến nay, nguồn thu nhập luôn ổn định. Hiện nay, ông Thuận chủ yếu nuôi gà giống để bán, giá bán gà mái 300.000 đồng/con, gà trống 700.000 đồng/con.

Ông Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Bản thân nhận thấy nghèo là một gánh nặng cho xã hội, vì vậy, tôi luôn quyết tâm phấn đấu để thoát nghèo. Tôi luôn chịu khó tìm hiểu để chuyển đổi mô hình làm ăn hiệu quả, phù hợp với thị trường và mô hình nuôi gà thả vườn rất tiện lợi trong khâu chăm sóc và tận dụng nguồn thức ăn thừa, giảm được chi phí”.

Ông Nguyễn Văn Út - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Đồng Tháp cho biết, phát huy những thành quả đã đạt được, các cấp Hội CCB trong tỉnh tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, không ngừng nêu cao ý chí tự lực tự cường, đẩy mạnh các phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, tạo điều kiện, giúp đỡ các hộ hội viên nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời chú trọng công tác nâng cao hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống hội viên, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

NGUYỄN LONG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn