Hiệu quả từ các mô hình truyền thông vận động, lồng ghép DS-KHHGĐ đến với người dân

Cập nhật ngày: 03/09/2012 05:37:21

Thực hiện lồng ghép tuyên truyền công tác dân số (DS) vào các buổi sinh hoạt hội đoàn thể địa phương là một trong những biện pháp mà cộng tác viên DS, cán bộ chuyên trách DS tại các địa phương thực hiện. Cách làm này đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc đưa các thông tin về DS- KHHGĐ đến với người dân địa phương.

Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với ngành Dân số tổ chức 89 buổi nói chuyện về CSSKSS, DS-KHHGĐ với hơn 3.000 lượt người tham dự; mô hình chi hội không sinh con thứ 3 do Hội Nông dân phối hợp với ngành DS thực hiện được phát triển đều khắp tại các địa phương trong toàn tỉnh. Hội Nông dân huyện Lấp Vò phối hợp với ngành DS huyện tổ chức 32 buổi truyền thông về DS-KHHGĐ với hơn 1.000 lượt hội viên tham gia, vận động 1.428 cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ. Huyện Tháp Mười, chỉ trong tháng 6 đã thực hiện 42 buổi sinh hoạt tổ nhóm với hơn 700 đối tượng tham gia. Xã Mỹ Quý, xã Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười) là 2 xã thực hiện tốt các hoạt động truyền thông lồng ghép vào hoạt động của các hội đoàn thể tại địa phương. Xã Mỹ Quý hiện có 7 ấp, trong đó có 4 câu lạc bộ (CLB) không sinh con thứ 3 (mỗi CLB có hơn 20 người tham gia), hoạt động tại các ấp Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2 và Mỹ Tây 1. Mỗi tháng CLB sinh hoạt 1 hoặc 2 lần lồng ghép với hoạt động của Hội Phụ nữ xã. Các buổi sinh hoạt có nội dung truyền thông người dân những vấn đề về DS-KHHGĐ, việc áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, Pháp lệnh DS, vấn đề sàng lọc trước sinh, sơ sinh, SKSS tiền hôn nhân... Đánh giá các mô hình CLB sinh hoạt lồng ghép DS tại địa phương, anh Huỳnh Bảo Quốc - Cán bộ chuyên trách DS xã Mỹ Quý cho biết: “Dù các CLB chưa mở rộng khắp xã nhưng các buổi sinh hoạt thường kỳ tại các ấp giúp cho người dân có được kiến thức cần thiết. Một số hộ đã liên hệ với Trạm y tế, cán bộ chuyên trách DS để hỏi về vấn đề SKSS, siêu âm, sàng lọc trước sinh để sinh con khỏe mạnh. Đây được xem là bước thay đổi về nhận thức của người dân địa phương trong công tác DS. Nếu như xã Mỹ Quý, CLB không sinh con thứ 3 phát triển mạnh thì xã Đốc Binh Kiều lại kết hợp công tác truyền thông DS với nhiều mô hình sinh hoạt đoàn thể khác nhau. Toàn xã Đốc Binh Kiều hiện có 5 CLB không sinh con thứ 3, các ấp đều có CLB hoạt động. Để nâng cao hiệu quả truyền thông vận động người dân thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, cán bộ chuyên trách xã đã tuyên truyền lồng ghép các nội dung DS vào hoạt động hùn vốn của các tổ phụ nữ tại địa phương. Ngoài ra, cán bộ chuyên trách dân số tại địa phương còn đăng ký sinh hoạt truyền thông DS mỗi tháng 1 lần với CLB hát với nhau (mô hình của Hội Người cao tuổi) tại ấp 4. Hình thức tuyên truyền này không chỉ cung cấp kiến thức về DS cho đối tượng tham gia sinh hoạt trực tiếp mà còn tuyên truyền gián tiếp cho người thân trong gia đình. Sau lần sinh hoạt, cách làm này đã tác động đến ý thức của nhiều đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, thể hiện qua số người đến trạm y tế khám bệnh liên quan đến SKSS-KHHGĐ tăng từ 2% đến 3%/năm. Nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác truyền thông, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên đều có những dẫn chứng cụ thể về từng trường hợp, cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại có chuyển biến tích cực về kinh tế để người dân tìm hiểu, so sánh trước khi vận động người thân của mình thực hiện. Anh Phan Tấn Thành - cán bộ chuyên trách DS xã Đốc Binh Kiều cho biết: “Mỗi CLB có 30 người tham gia sinh hoạt mỗi tháng 1 lần, các buổi sinh hoạt mang lại hiệu quả tích cực cho công tác vận động người dân giảm sinh, áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để cải thiện đời sống kinh tế gia đình...”. Với điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn của người dân các vùng nông thôn, các biện pháp truyền thông lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đã góp phần trang bị kiến thức DS-KHHGĐ, hỗ trợ tích cực cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên trong việc vận động truyền thông tại địa phương.

Ngân Thảo

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn