Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống

Cập nhật ngày: 04/01/2016 12:56:20

Năm 2013, Đề án trợ giúp người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2012-2020 được UBND huyện Cao Lãnh triển khai thực hiện. Đề án với nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời giúp NKT cải thiện cuộc sống.


Người khuyết tật được hỗ trợ xe lăn

Thông qua nguồn tài trợ của các mạnh thường quân, NKT được thăm, tặng quà vào dịp lễ, Tết, Ngày người tàn tật Việt Nam, quốc tế. Từ năm 2013 đến nay, có 159 trường hợp NKT được hỗ trợ dụng cụ xe lăn, xe lắc, chỉnh hình. Ở tuyến xã, Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ NKT -Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ NKT 1,7 tỷ đồng, mỗi năm trao tặng trên 30 chiếc xe lăn cho NKT, xây dựng 64 căn nhà tình thương. Các Trạm y tế xã, thị trấn tạo điều kiện khám, phát thuốc, hướng dẫn NKT chăm sóc sức khỏe bản thân. Hoạt động giáo dục đào tạo dành cho NKT được quan tâm. Hiện có 40 học sinh khuyết tật cấp Mầm non, Tiểu học, THCS đang học tập tại các điểm trường, có nhiều em đạt thành tích học tập tốt. Các trường đã dành tặng tập, sách giáo khoa cho các em với số tiền gần 500 triệu đồng, tạo điều kiện cho các em học tập tốt. Ngoài các chính sách hỗ trợ, bản thân NKT cũng có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Chăm chỉ siêng năng làm thợ đan ghế tại Công ty Sao Mai, TP.Cao Lãnh, em Lê Văn V. ngụ tại thị trấn Mỹ Thọ chia sẻ: “Em bị tật từ nhỏ, nhiều lúc cũng rất buồn. Nhưng nghĩ số phận đã vậy, nên quyết tâm làm việc làm để cha mẹ bớt lo...”. Ở xã Phong Mỹ, nhiều người nhắc đến em Minh T. bị tật 2 chân với sự quý mến, cảm thương. Chân T. bị tật, khó khăn khi đi lại, nhà lại xa trường học. Theo T., thời gian đầu khi đến trường em rất mặc cảm, nhưng được bạn bè, thầy cô giúp đỡ, em dần tự tin, hòa nhập với các bạn. Biết thân thể khiếm khuyết, T. cố gắng học tập và đã hoàn thành chương trình lớp 12, đồng thời có nhiều dự tính cho tương lai.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay trên địa bàn huyện chưa có cơ sở dạy nghề cho NKT, NKT đăng ký học nghề còn rất hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến việc hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống của NKT. Việc giúp đỡ NKT vươn lên trong cuộc sống là điều hết sức cần thiết, mang đậm tính nhân đạo. UBND các xã, thị trấn, các trường học cần tuyên truyền, vận động phụ huynh có trẻ khuyết tật sớm đưa con trong độ tuổi đến trường để được thụ hưởng chính sách giáo dục hòa nhập, chuyên biệt. Các đơn vị y tế cần vận động phụ nữ có thai tham gia khám sàng lọc khuyết tật trước sinh, khám khiếm khuyết ở trẻ sơ sinh; đào tạo đội ngũ y tế thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NKT. Địa phương khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục cho trẻ khuyết tật, có chính sách ưu đãi cho các trường tiếp nhận, giảng dạy trẻ khuyết tật...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn